Cisco hợp tác cùng Wilocity phát triển công nghệ Wi-Fi siêu nhanh 5 Gb/giây

Người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ mạng Cisco và Wilocity, công ty tiên phong về công nghệ không dây Wi-Fi theo chuẩn 802.11ad trên băng tần 60GHz, đã ra thông cáo báo chí rằng họ sẽ hợp tác làm việc trên “các cấu hình mạng và các giải pháp không dây mới” dựa trên nền tảng công nghệ không dây có tốc độ 5Gb/giây của Wilocity.

Sự hợp tác, được công bố hôm thứ tư vừa rồi, diễn ra sau khi Cisco quyết định đầu tư vào Wilocity một khoản tiền lên đến bảy con số trong tổng số 35 triệu đô la, theo như Forbes đưa tin vào thứ hai trước, mà Wilocity nhận được trong đợt huy động vốn thứ tư của công ty. Như vậy tổng số tiền đầu tư mà Wilocity nhận được cho đến nay là 105 triệu đô la.

“Chúng tôi thực sự xem đây là bước tiến lớn kể từ sau công nghệ 802.11ac,” Bob Friday, Giám đốc Kỹ thuật (CTO) của bộ phận mạng doanh nghiệp của Cisco, nói với The Register. “Nếu bạn nhìn vào tốc độ, chúng ta đã đi lên với mạng không dây kể từ 802.11g, 802.11n, đến 802.11ac. 802.11ad xem ra là bước kế tiếp hợp lý nhất vào thời điểm này để đưa tốc độ và dung lượng kết nối lên một tầm cao mới.”

Bộ tiêu chuẩn 802.11ad không chỉ tăng tốc độ truyền mà còn tăng cả dung lượng kết nối. Đây là một sự cải thiện hằng mơ ước của những ai đã từng cố gắng sử dụng kết nối không dây trong một trung tâm hội nghị hay một giảng đường đại học đông đúc.

Như Giám đốc Điều hành và đồng thời cũng là đồng sáng lập của Wilocity, Tal Tamir, nói với chúng tôi, “Bạn có tốc độ truyền cao hơn vì bạn có nhiều băng thông hơn – rất nhiều băng thông để bạn có thể sử dụng (*). Bạn có thêm dung lượng bởi vì bạn có thể đưa nhiều, rất nhiều bộ thu phát và ăng-ten vào trong một không gian rất nhỏ.”

Những bộ thu phát và ăng-ten nói trên được sử dụng trong công nghệ của Wilocity để thực hiện tính năng thu/phát có định hướng (beam-forming) cho phép tạo nên những kết nối từ điểm tới điểm (point-to-point). Khi đó nhiều kết nối độc lập có thể dùng chung tần số 60GHz. “Bạn có thể đạt được sự độc lập gần như hoàn hảo này nhờ việc thu/phát có định hướng,” Tamir nói, “và điều đó sẽ làm cho bạn ra không bị ảnh hưởng bởi các đường truyền khác. Vậy là bạn sẽ có thêm tốc độ và thêm khả năng kết nối, và kết hợp hai điều này lại sẽ cho phép bạn tăng dung lượng lên hàng trăm lần trong các mạng có mật độ cao.”

Firday đã giải thích những ưu điểm của các ăng-ten có kích thước nhỏ dùng trong việc thu và phát tín hiệu ở tần số 60GHz. “Với đặc tính vật lý của dải tần 60GHz chúng ta có thể đưa nhiều ăng-ten hơn vào trong các cấu trúc thu/phát theo hướng,” (**) ông nói. Với nhiều ăng-ten hơn, khả năng tạo các hướng thu/phát và độ ổn định của tính năng này đều tăng. Wilocity hiện tại đưa 32 ăng-ten nhỏ xíu vào bên trong một không gian mà Tamir nói là “còn nhỏ hơn rất nhiều so với kích thước của một cái ăng-ten Wi-Fi,” và ông giải thích rằng chẳng có lý do gì mà họ không thể nhân đôi số lượng ăng-ten, lên 64, “khi cần thiết.”

Tuy nhiên, một nhược điểm của tín hiệu 802.11ad trên tần số 60GHz là chúng rất dễ bị chặn lại bởi các vật thể đặc như tường nhà hay người. Đồng thời, kỹ thuật thu/phát có định hướng, như tên gọi của nó ám chỉ, là đơn hướng (unidirectional) trong khi các dạng Wi-Fi khác là có khả năng thu/phát trên nhiều hướng (omnidirectional).

Đó cũng là một vấn đề mà việc sử dụng nhiều ăng-ten có thể giải quyết được. Các ăng-ten này không chỉ có khả năng tạo các kết nối theo bất kỳ hướng nào mà chúng còn có khả năng phát tín hiệu sao cho tín hiệu này phản xạ ở các vật như trần nhà, nền nhà, tường ngăn, và những thứ tương tự như vậy, để thiết lập lại kết nối mà người dùng không hề nhận biết được sự gián đoạn.

“Chúng tôi đổi hướng thu phát chỉ trong vòng một phần ngàn giây,” Tamir nói. Phóng viên của The Register có thể xác nhận điều này: anh gần như là phải cuộn mình quanh một hệ thống Wilocity đời cũ để làm tín hiệu bị gián đoạn. Hơn nữa, đó còn là trước khi Wilocity nâng cấp các con chíp lên khả năng thu phát 360 độ như hiện tại.

“32 ăng-ten này về cơ bản sẽ tìm hướng truyền tốt nhất,” Friday nói. “Nếu bạn ngồi trong một ô làm việc và không có một hướng truyền thẳng, hệ thống sẽ tìm cách phối hợp một cách tốt nhất 32 ăng-ten này để tạo ra kết nối.” Thực ra là tìm hướng phản xạ tốt nhất. Tuy nhiên, các bức tường vẫn ngăn cản tín hiệu ở tần số 60GHz – và đó là lý do tại sao công nghệ của Wilocity mà Cisco đang cùng hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm là một giải pháp Wi-Fi với 3 băng tần bao gồm chuẩn 802.11ad trên tần số 60GHz, 802.11a/n/ac trên tần số 5GHz và 802.11b/g/n trên tần số 2.4GHz.

Việc chuyển đổi giữa các dải tần khác nhau là “hoàn toàn thông suốt,” Tamir đảm bảo, do vậy giả dụ như bạn đang chép một tập tin thì quá trình sao chép vẫn sẽ không bị gián đoạn. “Điều duy nhất mà bạn sẽ nhận thấy khi việc chuyển đổi giữa các dải tần xảy ra,” ông nói, “là tốc độ sẽ thay đổi. Đó là điều hiển nhiên.”

Friday cho biết Cisco hiện đang làm việc với Wilocity để “cải thiện công nghệ này cho các ứng dụng mạng,” cũng như thâm nhập thị trường. Thông cáo hôm thứ tư không đề cập đến sản phẩm và Friday cũng không cho biết khi nào sẽ có công bố về sản phẩm.

Tuy nhiên, Tamir, sau khi chỉ ra rằng công nghệ 802.11ad của Wilocity đã có mặt trong các máy tính xách tay của Dell và cho biết nhiều thông cáo hơn sẽ được đưa ra tại CES (Consumer Electronics Show – Triển lãm Hàng Điện tử Tiêu dùng) vào tháng 1 sắp tới, đã nói, “Chúng tôi đã bắt đầu với các máy tính xách tay và trong năm tới các bạn sẽ thấy nhiều hơn trên lĩnh vực di động và thiết bị mạng” – di động nghĩa là máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Những con chíp dùng trong nền tảng di động có khả năng truyền tải 5Gb/giây mà không ảnh hưởng nhiều đến thời gian sử dụng pin, Tamir cho biết. Thực sự là, ông nói với chúng tôi, những con chíp đó tiêu hao ít điện năng hơn cả những con chíp 802.11ac ngày nay.

Không có gì khó hiểu khi Tamir rất hào hứng khi hợp tác với Cisco. “Tôi rất hãnh diện khi tuyên bố rằng,” ông nói, “chúng tôi có những công ty hàng đầu ở cả hai đầu của kết nối, đúng không nhỉ? Chúng tôi đã hợp tác với Qualcomm và Marvel để quảng bá và phát triển sản phẩm cho phía người dùng, và bây giờ chúng tôi có Cisco bên phía mạng.”

Wilocity có một số video trình diễn đáng xem trên kênh YouTube của công ty. Xin cảnh báo trước là phần âm thanh trong clip “Dense Network Experiment” hơi bị hoành tráng, tuy vậy, đừng bỏ qua video trình diễn xoay máy tính bảng để thấy khả năng kết nối liên tục sử dụng kỹ thuật thu phát có định hướng.

Chú thích của người dịch:

(*) Trong chuẩn 802.11ad, hai kênh truyền kế tiếp nhau có tần số cách nhau 2.16GHz trong đó phần băng thông tín hiệu chiếm 1.76GHz và tuỳ theo quy định phân bổ tần số của từng quốc gia, có thể có đến 4 kênh truyền để sử dụng trên toàn dải tần số từ 57 đến 66GHz. Các chuẩn 802.11a/b/g có băng thông 20MHz, chuẩn 802.11ac có băng thông tối đa 160MHz cho mỗi kênh truyền.

(**) Kích thước ăng-ten tỷ lệ thuận với bước sóng và tỷ lệ nghịch với tần số của tín hiệu. Tần số càng cao thì ăng-ten càng có thể được thu nhỏ.


Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: