Các hệ thống điện thông minh và linh động sẽ cho phép mỗi hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, lưu trữ, và chia sẻ điện năng.
Thoạt nhìn, khu trung tâm của Fort Collins, Colorado, trông như một khu phố cổ dễ thương. Những toà nhà tuyệt đẹp được xây dựng từ thế kỷ thứ 19 mời gọi từ hai bên những con đường rợp bóng cây. Một chiếc xe điện được phục chế rung chuông leng keng khi chạy dọc con đường Mountain Avenue. Một khu phố an toàn và sạch sẽ, lộng lẫy và không xô bồ.
Thế nhưng khu phố xinh đẹp này là nơi diễn ra một trong những kế hoạch năng lượng tham vọng nhất đối với bất kỳ đô thị nào trên nước Mĩ. Fort Collins, với dân số 150 ngàn người, đang cố gắng thực hiện điều mà chưa có một cộng đồng nào với số dân tương tự từng làm: biến khu trung tâm của nó thành một khu vực không tiêu tốn năng lượng, nghĩa là mỗi năm nó sẽ dùng một lượng năng lượng không nhiều hơn khả năng nó có thể tạo ra. Cả thành phố đang hướng tới mục tiêu giảm được 80% mức phát thải carbon vào năm 2030 và tiến đến trung hoà carbon vào giữa thế kỷ này. Để thực hiện điều đó, các kỹ sư đang chuẩn bị ráo riết để triển khai hàng loạt công nghệ năng lượng tiên tiến bao gồm các tuốc-bin chu trình hỗn hợp chạy bằng gas để thay thế các nhà máy chạy bằng than già cỗi, các tấm pin mặt trời đặt trên mái nhà, các phương tiện lưu trữ điện và nhiệt, các lưới điện siêu nhỏ, và các kế hoạch tiết kiệm năng lượng.
Đó là một kế hoạch đầy tham vọng. Nhưng với Fort Collins Utilities, công ty điện lực địa phương, những lựa chọn ít táo bạo hơn đều không thể chấp nhận được. Giống như các công ty cung cấp dịch vụ công cộng trên toàn thế giới, họ cũng đang vật lộn với sự dần biến mất của mô hình sản suất điện truyền thống theo kiểu độc quyền mà trong đó quyền quyết định được tập trung cho một công ty duy nhất. Chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời đã giảm đến mức mà vô số người tiêu dùng ở nhiều quốc gia bây giờ tự sản xuất điện cho họ, thường (nhưng không phải là luôn luôn) là với sự giúp đỡ của các nhà điều hành và hoạch định chính sách.
Câu hỏi được đặt ra vào lúc này là: chúng ta muốn đưa việc này đi xa đến đâu? Trong vài thập kỷ tới, công nghệ sẽ cho phép chúng ta phân tán lưới điện một cách đáng kể, tạo điều kiện cho các công sở, nhà máy, trường học, và hộ gia đình tự cung cấp điện cho mình vào phần lớn thời gian trong ngày và hầu như mọi ngày trong năm. Năng lượng mặt trời, pin nhiên liệu và tuốc-bin gió sẽ rẻ hơn so với bây giờ. Nhu cầu năng lượng cũng sẽ giảm đi vì việc sưởi ấm, làm mát, các đồ gia dụng, và đèn chiếu sáng cũng sẽ có hiệu suất cao hơn. Những tiến bộ trong lĩnh vực pin và các dạng lưu trữ năng lượng khác sẽ đơn giản hoá việc giải quyết tình trạng bất ổn của năng lượng gió và năng lượng mặt trời cũng như các vấn đề về công suất phản kháng (reactive power). Lưới điện thông minh, lưới điện siêu nhỏ, và các công nghệ khác sẽ kết nối những nhà máy điện tí hon này vào những mạng lưới linh động để cho phép người dùng bán năng lượng và dung lượng truyền tải dư thừa cũng như mua điện từ lưới điện chính khi cần thiết.
Khi được kết hợp lại với nhau, những tiến bộ này hứa hẹn sẽ đem lại một cơ cấu năng lượng bền vững cho tương lai trong đó vai trò của năng lượng hạt nhân và năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch sẽ lu mờ dần và các ảnh hưởng như ô nhiễm, khí nhà kính, và chất thải phóng xạ được giảm đi. Nhưng những thay đổi trên diện rộng đối với hệ thống điện có thể cần đến hàng thập kỷ để triển khai. Do đó, giờ chính là lúc ta phải hình dung về lưới điện trong những năm 2030 và xa hơn nữa.
Tương lai đó sẽ chỉ trở thành hiện thực—ở Fort Collins cũng như ở bất cứ nơi nào khác—nếu ta vượt qua được một số thử thách quan trọng. Chúng không chỉ bao gồm các trở ngại về mặt công nghệ mà còn có cả các vấn đề về điều hành và chính trị. Ngày nay, mỗi khi một hộ gia đình lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà và bắt đầu khiến kim đồng hồ điện trong nhà quay ngược, mỗi khi một chủ xe hybrid dùng điện xạc bộ pin trong xe của mình, mỗi khi một tuốc-bin gió bắt đầu quay, chúng đều xáo trộn hoạt động của lưới điện. Mặc dù mỗi sự xáo trộn đơn lẻ đó có thể không đáng kể nhưng khi số lượng của chúng lên đến hàng trăm ngàn hay thậm chí hàng triệu thì áp lực mà chúng tạo ra trên lưới điện vốn không được thiết kế để đương đầu với chúng sẽ có nguy cơ gây ra thảm hoạ.
Ngành công nghiệp điện năng đang trải qua một sự thay đổi có tính chất căn bản tương tự như những gì đã biến đổi ngành viễn thông và máy tính, theo Clark Gellings, một thành viên của Viện Nghiên Cứu Điện Năng (Electric Power Research Institute, EPRI) ở Palo Alto, California. Vào thời hoàng kim của điện thoại hữu tuyến, chúng ta có một công ty độc quyền cung cấp dịch vụ thoại đáng tin cậy, và hầu như không còn gì thêm nữa. Ngày nay, hàng loạt công ty viễn thống cung cấp các dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến với số lượng tuỳ chọn còn nhiều hơn khả năng mà hầu hết người sử dụng có thể bỏ công tìm hiểu. Máy tính, tương tự như vậy, thường được hiểu là các máy trạm khổng lồ được truy cập từ xa thông qua các máy con. Nhưng khi CPU và bộ nhớ trở nên đủ rẻ và đủ mạnh, mọi người có thể sở hữu máy tính riêng của mình, truy cập và trao đổi thông tin thông qua Internet, và khai thác năng lực tính toán phân tán nhờ công nghệ điện toán đám mây.

Thêm bia, bớt điện: Các tấm pin mặt trời ở công ty bia New Belgium Brewing ở Fort Collins, Colorado, cung cấp 3% điện năng cho nhà máy. Công ty đang tham gia vào kế hoạch dài hạn của thành phố để tạo ra một khu trung tâm đô thị không tiêu tốn năng lượng và không phát thải carbon vào giữa thế kỷ này. Hình: New Belgium Brewing.
Gellings hình dung ra một hệ thống điện mà ông gọi là ElectriNet: một mạng lưới các hệ thống điện được kết nối và tương tác với nhau ở mức độ cao và được kết hợp với cả viễn thông, Internet, và thương mại điện tử. (Gellings giới thiệu khái niệm, mà lúc đó được xem là quái dị, về những khách hàng sử dụng điện năng tự quản lý mức tiêu thụ của mình—một khái niệm mà ông gọi là “quản lý tải theo nhu cầu“—lần đầu tiên vào tháng 12/1981 trên tạp chí IEEE Spectrum.) Một hệ thống mạng như vậy sẽ cho phép các công ty dịch vụ hạ tầng kết nối một cách thông minh đến từng căn hộ, từng nhà cung cấp, và điều đó làm họ trở thành những người vận hành mạng điện đầu tiên truyền tải hàng tỷ “giao dịch” điện xảy ra mỗi ngày giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Các thiết bị tiêu dùng thông minh trong nhà sẽ biết đáp ứng với những thay đổi trong giá điện một cách tự động, chẳng hạn như tự tắt hay mở khi giá lên hay xuống. ElectriNet cũng sẽ đem lại sự an ninh, các dịch vụ thông tin liên lạc và dữ liệu, và những thứ tương tự.
Thêm vào đó, Gellings nói, các cảm biến hiện đại được lắp đặt khắp nơi trong mạng sẽ cho phép các nhà điều hành quan sát hệ thống điện theo thời gian thực, một tính năng then chốt để phát hiện các hỏng hóc, các vụ tấn công trong thế giới thực cũng như qua mạng, và để chống lại hay ít nhất là giảm thiểu khả năng mất điện.
Mặc dù việc sản xuất ra điện theo mô hình phân tán đã diễn ra ở nhiều nơi, Gellings nhận xét, “chúng ta phải hướng đến một hệ thống điện được tích hợp một cách thực sự. Đó mới là hệ thống có khả năng khai thác tốt nhất các nguồn lực tập trung cũng như phân tán—bởi vì việc sản xuất điện theo kiểu tập trung sẽ không mất đi hoàn toàn, mặc dù nó có thể có những thay đổi nhất định.”
Một mạng lưới linh động và thông minh ở mức độ cao với khả năng thực hiện vô số giao dịch diễn ra giữa hàng trăm ngàn hay thậm chí hàng triệu người sản xuất và người tiêu dùng không chỉ là điều mong ước, các chuyên gia nhận xét. Đó là điều phải làm, bởi vì nếu không thì sẽ rất đáng ngại.
Cứ hỏi người Đức. Các chính sách trợ giá hào phóng, được gọi là “feed-in tariff” , cho năng lượng tái tạo đã bổ sung thêm 30 gigawatts điện mặt trời và 20 gigawatts điện gió cho cả nước chỉ trong vòng vài năm. Vào buổi trưa của một ngày có nắng và gió nhẹ, năng lượng tái tạo có thể đóng góp đến hơn phân nữa lượng điện mà Đức tạo ra.
“Nghe có vẻ như là một điều tốt, nhưng đối với công ty truyền tải điện, nó giống như là một tải âm khổng lồ,” theo Benjamin Kroposki, giám đốc bộ phận tích hợp hệ thống năng lượng ở Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia (National Renewable Energy Laboratory) ở Golden, bang Colorado. Khi một lượng lớn năng lượng tái tạo được tạo ra, sản lượng của các nhà máy điện truyền thống phải được giảm đi một cách tương ứng để giữ cân bằng cho hệ thống. Nhưng nếu có một vụ mất điện cục bộ hay một xung điện áp hay một kiểu xáo trộn nào đó xảy ra trên lưới điện thì mạch bảo vệ sẽ nhanh chóng tắt các bộ nghịch lưu của hệ thống pin mặt trời. (Bộ nghịch lưu, inverter, là các hệ thống bán dẫn có chức năng chuyển đổi dòng điện một chiều từ pin mặt trời thành dòng điện xoay chiều.) Và điều đó có thể dẫn đến sự bất ổn theo kiểu dây chuyền trên toàn hệ thống.
“Nếu bạn mất 30 gigawatts trong 10 chu kỳ”—nghĩa là chỉ 2 phần 10 giây—”bạn không thể tăng công suất của các máy phát điện truyền thống lên đủ nhanh để bù đắp,” Kroposki nói. Do đó người Đức đã phải tiêu tốn hàng trăm triệu đô-la cho các bộ nghịch lưu thông minh và các kênh điều khiển để cho phép các tấm pin mặt trời tự động vượt qua các nhiễu loạn thay vì ngắt điện.
Khách hàng đang phải trả giá cao cho những nâng cấp đó: giá điện ở Đức đã tăng gấp đôi so với năm 2002, vào mức khoảng 40 xu đô-la Mĩ cho mỗi ký (kWh) điện. Mức giá đó cao gấp bốn lần giá điện ở bang Illinois. Nhiều nước khác hiện đang học hỏi từ những kinh nghiệm này, Kroposki nói thêm, “để đảm bảo rằng điện gió và điện mặt trời được tích hợp vào lưới điện theo những phương pháp làm tăng độ ổn định chung của hệ thống.”

Điện cho nơi chưa bao giờ từng có điện: Một tương lai mới cho lĩnh vực điện năng với nhiều máy phát, bộ lưu trữ, và lưới điện nhỏ theo mô hình phân tán không chỉ dành cho người dân ở các nước giàu có. Nó cũng sẽ đến với những người không tiếp cận được với lưới điện—khoảng 1.3 tỷ người vào thời điểm hiện tại. Điều đó đang thực sự diễn ra. SharedSolar, một dự án được khởi tạo bởi Vijay Modi ở Columbia University và các sinh viên của mình, đang triển khai các tấm pin mặt trời được kết nối bởi một lưới điện nhỏ trong các ngôi làng vùng phía nam sa mạc Sahara ở Châu Phi. Các hộ gia đình và công sở phải trả tiền trước để sử dụng điện tương tự như cách họ trả tiền trước để sử dụng dịch vụ điện thoại di động.
Một thử nghiệm trên phạm vi lớn ở Nhật đang theo đuổi một phương pháp tích hợp như vậy. Tại một khu vực cách trung tâm Tokyo khoảng 30 phút di chuyển bằng tàu điện, một công ty phát triển địa ốc đang chuyển đổi một sân golf cũ thành một thành phố thông minh có tên là Kashiwanoha. Năng lượng, nước, và các dịch vụ công cộng khác cho khoảng 26 ngàn cư dân được quản lý một cách thông minh ở mọi cấp độ, từ từng căn nhà đến công sở và các nhà máy cho đến toàn bộ thành phố.
Ý tưởng về một thành phố thông minh đã được thảo luận trong một thời gian. Nhưng nó đã không đi vào cuộc sống ở Nhật mãi cho đến khi xảy ra thảm hoạ Fukushima vào tháng 3 năm 2011, theo Akihiko Tobe, người điều hành bộ phận phụ trách dự án thành phố thông minh của Hitachi, nơi cung cấp các hệ thống quản lý năng lượng cho Kashiwanoha. “Trận động đất đã thay đổi tất cả.” Tobe nói. “Nhiều thành phố đã hứng chịu những hư hại nặng nề, điện và nước bị cắt. Trong các toà nhà cao tầng, người lớn tuổi bị kẹt ở trên cao vì thang máy không hoạt động.”
Bởi vậy nên hệ thống điện của Kashiwanoha được thiết kế để cung cấp điện liên tục cho các khu vực quan trọng như thang máy, máy bơm nước, và các bệnh viện trong các trường hợp khẩn cấp. Điều đó được thực hiện nhờ việc những khu lưu trữ sử dụng pin cũng như các lưới điện nhỏ để cho phép chia sẻ điện năng và có thể hoạt động độc lập với lưới điện chính. Một trung tâm điều hành nằm trên tầng hai của một toà nhà khách sạn và chung cư sẽ giám sát lưới điện nhỏ và theo dõi chính xác nơi điện được tiêu thụ và sản xuất. Trong điều kiện hoạt động bình thường, người sử dụng được khuyến khích theo dõi mức sử dụng điện của mình thông qua các màn hình cảm ứng ở nhà và công sở. Những ai làm tốt việc giảm mức tiêu thụ sẽ được thưởng “điểm sinh thái,” mà họ có thể dùng để đổi lấy hàng hoá và dịch vụ tại trung tâm mua sắm LaLaPort trong khu vực.
Theo Tobe, các thiết bị tự động trong nhà sẽ được bổ sung thêm dần, chẳng hạn như các cảm biến tự động tắt bóng điện khi rèm cửa được mở. Các thiết bị giám sát sức khoẻ cũng sẽ được cung cấp để thu thập những thông tin như thời gian tập thể dục của bạn và lượng calorie trong bữa ăn của bạn. Những người chuyển đến Kashiwanoha hình dung rằng thành phố này đại diện cho một sự đoạn tuyệt với quá khứ, Tobe nói. “Họ nghĩ rằng họ đang thiết lập một văn hoá mới, và họ rất phấn khích với việc tham gia làm cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Nếu những thành phố đi trước thời đại như Fort Collins và Kashiwanoha đạt được mục tiêu năng lượng của mình, liệu thành công đó có thể được lặp lại ở nơi khác không? “Một tương lai tươi sáng cho lĩnh vực điện năng sẽ tuỳ thuộc vào tất cả các công nghệ mới mà bạn biết,” theo Gellings. “Lưu trữ năng lượng, hiệu suất thiết bị, những cách khai thác mỏ than và khí tự nhiên tốt hơn, cảm biến cho lưới điện, nhiều máy phát điện tiên tiến.” Nếu bất cứ một trong những công nghệ này không tiến triển theo con đường mà các chuyên gia ngày nay giả sử rằng chúng sẽ đi theo thì mọi việc sẽ bị trật khớp, ông nói. Những nhà điều hành và hoạch định chính sách cũng sẽ cần phải được thuyết phục để đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng mà một mạng điện tích hợp thông minh cần có.
Ngay cả khi những thay đổi này thành hiện thực, lưới điện vào năm 2064 sẽ vẫn giống như lưới điện ngày nay trên một số phương diện chính. Chẳng hạn như những nhà máy điện chạy than cỡ lớn sẽ vẫn chiếm một phần lớn trong tổng sản lượng điện năng. Theo báo cáo Dự báo Năng lượng Quốc tế năm 2013 của cơ quan Quản Lý Thông tin Năng lượng Mĩ thì Mĩ, Úc và nhiều nước khác sẽ đóng cửa các nhà máy điện chạy than già cỗi nhưng các nước khác sẽ vẫn xây dựng mới các nhà máy dạng này. Trung Quốc, đang là nước dẫn đầu trong tiêu thụ than, sẽ bổ sung thêm khoảng 530 gigawatt điện than vào năm 2040, theo dự đoán từ bản báo cáo. Và do đó, tỷ lệ điện than trong tổng sản lượng điện trên toàn thế giới rất có thể sẽ chỉ ít hơn vài phần trăm so với tỷ lệ này trong năm 2010.
Và sẽ rất khó để loại bỏ những nhà máy đó một khi chúng đi vào hoạt động, . “Đây là một lĩnh vực có sức ỳ rất lớn,” theo Vaclav Smil, người đã nghiên cứu sự thay đổi chậm chạp của ngành công nghiệp năng lượng. “Mỗi nhà máy điện tốn khoảng một tỷ đô-la để xây dựng. Nên khi bạn đưa nó vào hoạt động, bạn không muốn đập bỏ nó và làm lại từ đầu. Do vậy các nỗ lực cải tiến sẽ diễn ra chủ yếu ở phần ngoại vi của lưới điện.”
Việc cải tiến phần ngoại vi của lưới điện vẫn có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể cho lưới điện trong tương lai, nếu những thành phố như Fort Collins và Kashiwanoha làm được. Năm mươi năm nữa, theo Steven Catanach, người phụ trách điều hành ánh sáng và năng lượng ở công ty Fort Collins Utilities, hai nhà máy điện chạy than hiện đang đáp ứng 80% nhu cầu năng lượng của thành phố sẽ ngừng hoạt động. Thay thế cho chúng sẽ là các nhà máy mới với các tuốc-bin chu trình hỗn hợp chạy bằng gas và một lượng lớn hơn các nguồn điện phân tán. Ngày nay, công ty điện khuyến khích việc đầu tư vào điện gió và mặt trời thông qua một thoả thuận mua điện (feed-in tariff) mới cho phép khách hàng bán lại điện vào lưới điện chung ở một mức giá được đảm bảo. Việc ứng dụng cơ chế nhu cầu-đáp ứng mạnh mẽ hơn sẽ cho phép khách hàng cắt giảm tiêu thụ điện năng của mình vào lúc cao điểm. Và khi công nghệ lưu trữ năng lượng trở nên rẻ hơn, Catanach nói thêm, “chúng tôi sẽ sử dụng nó để điều hoà những biến động của năng lượng tái tạo.”
Mặc dù một số chuyên gia công nghiệp đang vò đầu bứt tai trước cái “vòng xoáy chết chóc” đầy tăm tối của các công ty điện ngày nay, Catanach vẫn có thể lạc quan về tương lai. “Fort Collins là một nơi tuyệt vời để sống, và đèn điện sẽ luôn chiếu sáng,” ông nói. Ông tin tưởng rằng năm mươi năm nữa, người ta sẽ vẫn có thể nói như vậy.
Trong loạt bài phân tích về những công nghệ của tương lai đăng trên IEEE Spectrum số tháng 5/2014, bên cạnh nội dung chính là dự đoán về viễn cảnh tích cực của mỗi công nghệ, các tác giả còn phân tích cả những tác động tiêu cực của nó cũng như những yếu tố có thể làm cho viễn cảnh đó không thể thành hiện thực được. Dưới đây là phân tích của tác giả đối với lưới điện trong tương lai. [Người dịch]
Cái chết dần mòn của lưới điện
Quá nhiều nguồn điện cá nhân không kết nối với lưới điện sẽ làm tổn hại đến hạ tầng công cộng.
Giá của các tấm pin mặt trời tiếp tục giảm xuống trong khi hiệu suất của chúng tiếp tục tăng lên. Ắc-quy và các công nghệ lưu trữ năng lượng khác đang ngày càng trở nên tốt hơn, và điều này thúc đẩy mọi người tách mình ra khỏi lưới điện. Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, kết cục có thể là thảm hoạ, không chỉ cho các công ty điện lực mà còn cho bất kỳ ai muốn có nguồn điện ổn định với giá phải chăng.
Lý do như sau. “Khi nhiều người rời bỏ lưới điện, điều đó có nghĩa là nhiều người đang đầu tư quá mức vào các nguồn điện cá nhân không được kết nối với nhau để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vào lúc cao điểm của mình,” theo James Mandel, một nhà quản lý ở Rocky Mountain Institute, ở Boulder, Colorado. “Kết quả là, những người không có khả năng chi trả cho một máy phát điện cá nhân—những người có thu nhập thấp, những người thuê nhà, hay những người có nợ nần—phải trả tiền cho chi phí vận hành lưới điện.” Còn những người có nhà riêng và các doanh nghiệp sử dụng điện độc lập có thể sẽ thấy rằng việc điều hành và duy trì một “nhà máy điện tí hon” là tốn kém thời gian và tiền bạc, ông cho biết. Chắc cũng không cần phải nói thêm rằng, một khi lợi nhuận của mình bị hao hụt, các nhà điều hành lưới điện sẽ rất khó mà tồn tại. “Đó là một tương lai mà chúng ta không hề mong muốn,” Mandel nói.
Tuy vậy, ở một số nơi, tình trạng đó đã đang diễn ra. Ở Hawaii, nơi mà giá điện thường ở mức hơn 10 xu Mĩ cho một kí điện (kWh), việc sở hữu riêng một dãy pin mặt trời với hệ thống ắc-qui là thực sự có lợi về mặt kinh tế cho những ai có khả năng mua chúng. Trong một báo cáo gần đây, Tính Kinh tế của việc Từ bỏ Lưới điện, viện Rocky Mountain Institute đã dự đoán thời điểm mà tình trạng đó sẽ xảy ra ở năm khu vực của nước Mĩ. Chẳng hạn như ở Los Angeles và ở Westchester County thuộc New York, điều này có thể xảy ra trong những năm 2020. Những tiến bộ trong các giải pháp sản xuất điện cục bộ khác, chẳng hạn như các hệ thống kết hợp nhiệt và điện chạy bằng pin nhiên liệu có thể sẽ khuyến khích nhiều người rời khỏi lưới điện hơn nữa.
Bản báo cáo được đưa ra nhằm mục đích cảnh báo, Mandel nói. “Khi việc rời bỏ lưới điện trở nên khả dĩ, nó không còn là điều ‘có thể xảy ra’ nữa mà là điều ‘sẽ xảy ra’.” Do vậy sáu năm hay hơn lâu một chút, ông nói, “là khoảng thời gian chúng ta có để tìm ra một mô hình tốt hơn.”
Viễn cảnh được ưa thích hơn, theo các tác giả của bản báo cáo và nhiều chuyên gia năng lượng khác, là một mạng lưới với nhiều kết nối hơn và thông minh hơn. Tình huống tệ nhất, theo Clark Gellings, là “mạng điện thông minh không thực sự thông minh. Nó ngu ngốc, và chúng ta không kết nối chúng đúng cách.” Trong viễn cảnh đó, những khách hàng vốn từng được dùng điện với giá khá rẻ và dịch vụ đáng tin cậy sẽ phải đối mặt với giá điện tăng cao và tình trạng mất điện thường xuyên. Và khi không có một lưới điện mạnh mẽ và bền vững thì những viễn cảnh tươi đẹp khác được dự báo trong số báo này [loạt bài của IEEE Spectrum dự báo về những công nghệ cho tương lai, người dịch]—xe tự lái, rô-bốt làm việc nhà, trang phục với máy tính dự đoán suy nghĩ, vân vân—cũng sẽ không xảy ra.
“Cái viễn cảnh mà tôi ưa thích vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn là sẽ xảy ra,” Gellings thừa nhận, “Do vậy tôi vẫn phải làm việc mỗi ngày, đến nhiều nơi trong nước, gặp gỡ các nhà điều hành và các công ty dịch vụ công, để cố gắng truyền đạt thông điệp này.”
- Nguyên bản tiếng Anh: “The Rise of the Personal Power Plant,” Jean Kumagai, IEEE Spectrum Magazine, 28 May 2014.
- Người dịch: Tạ Minh Chiến
- Biên tập: Phạm Duy Đông