Năng lượng mặt trời không phải lúc nào cũng sạch

Liệu pin mặt trời giá rẻ hơn có đi kèm với chi phí môi trường cao hơn không?

Những tấm pin mặt trời long lanh dưới ánh mặt trời là một biểu tượng hoàn hảo cho công nghệ xanh. Nhưng mặc dù việc tạo ra điện từ pin mặt trời đúng là tốt hơn so với việc đốt các chất hoá thạch thì nhiều điều đã cho thấy mối liên hệ giữa việc sản xuất những biểu tượng sáng ngời về tính thân thiện với môi trường này với tình trạng ô nhiễm hoá chất. Và người ta vỡ lẽ ra rằng thời gian để bù đắp cho lượng năng lượng được dùng và lượng khí nhà kính được thải ra trong quá trình sản xuất tấm pin mặt trời thay đổi rất đáng kể tuỳ vào công nghệ và vị trí địa lý.

Đó là tin xấu. Còn tin tốt là ngành công nghiệp này có đủ khả năng để loại bỏ ngay nhiều hiệu ứng phụ nguy hại. Thật ra, áp lực để làm điều đó đang tăng dần, một phần bởi vì, từ năm 2008, việc sản xuất pin mặt trời đã chuyển từ Châu Âu, Nhật, và Mĩ sang Trung Quốc, Malaysia, Phillipines, và Đài Loan. Ngày nay, gần một nửa lượng pin mặt trời được sản xuất ở Trung Quốc. Kết quả là mặc dù nhìn tổng quan thì ngành công nghiệp này cũng thân thiện với môi trường nhưng thực ra những quốc gia sản xuất nhiều pin mặt trời nhất cũng thường là nơi yếu kém nhất trong việc bảo vệ môi trường và người lao động của mình.

Để hiểu chính xác những vấn đề và cách giải quyết chúng, ta cần phải biết đôi chút về cách tạo ra các tấm pin mặt trời. Có nhiều công nghệ sản xuất năng lượng mặt trời nhưng đại đa số các tế bào quang điện ngày nay được chế tạo từ thạch anh (quartz), dạng phổ biến nhất của silica (SiO2), tinh chế thành silicon nguyên chất. Đó là vấn đề đầu tiên: thạch anh được khai thác từ mỏ và điều này đặt các công nhân mỏ vào nguy cơ mắc phải một trong những bệnh nghề nghiệp cổ xưa nhất của nhân loại, bệnh nhiễm bụi phổi.

Bước xử lý đầu tiên sẽ chuyển thạch anh thành silicon ở cấp độ luyện kim (metallurgical-grade silicon) vốn là nguyên liệu chủ yếu dùng để tăng độ cứng của thép và các kim loại khác. Việc này được tiến hành trong những lò nung khổng lồ, và chúng tiêu hao rất nhiều năng lượng để giữ nhiệt độ cao, một chủ đề mà ta sẽ bàn thêm về sau. May mắn là, lượng chất thải—chủ yếu là CO2 và SO2—không đủ để gây nguy hiểm cho công nhân làm trong các nhà máy tinh luyện silicon cũng như cho môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, bước xử lý kế tiếp—biến silicon ở cấp độ luyện kim thành một dạng tinh khiết hơn có tên gọi là polysilicon (silicon đa tinh thể)—tạo ra hợp chất SiCl4 rất độc hại. Quá trình tinh luyện bao gồm việc trộn axit HCl với silicon cấp độ luyện kim để chuyển hoá chúng thành HSiCl3 (trichlorosilane). HSiCl3 sau đó phản ứng với khí hydro được thêm vào và tạo ra polysilicon cùng với SiCl4 ở dạng lỏng. Khoảng 3 đến 4 tấn SiCl4 được tạo ra cùng với mỗi tấn polysilicon thành phẩm.

solar_waste_1

Cống thải axit: Nước thải thoát ra từ một nhà máy được vận hành bởi Jinko Solar Holding Co. Năm 2011, axit HF (hydrofluoric acid) được sử dụng trong quá trình sản xuất tấm pin mặt trời ở nhà máy này đã gây ô nhiễm nước sông và làm chết hàng trăm con cá và vài chục con lợn. Hình: Imaginechina/AP Photo.

Hầu hết các nhà sản xuất đều tái sử dụng lượng chất thải này để tạo ra thêm polysilicon. Thu silicon từ SiCl4 tiêu tốn ít năng lượng hơn so với việc thu silicon từ silica, do đó việc tái sử dụng giúp nhà sản xuất tiết kiệm thêm. Nhưng các thiết bị tái xử lý có giá lên đến hàng chục triệu đô-la. Do vậy một số nhà máy đổ bỏ hẳn các chất thải này. Nếu chất thải này tiếp xúc với nước—và điều đó rất khó ngăn cản nếu nó bị vứt bỏ bừa bãi—thì SiCl4 sẽ tạo ra HCl làm đất bị axit hoá và tạo ra các khí độc hại.

Khi ngành công nghiệp pin mặt trời còn ở quy mô nhỏ hơn, các nhà sản xuất tế bào quang điện mua silicon từ các công ty sản xuất chíp nơi thường loại bỏ các tấm nền silicon (wafer) không đạt tiêu chuẩn về độ tinh khiết cho lĩnh vực máy tính. Nhưng sự bùng nổ của lĩnh vực pin mặt trời dẫn đến nhu cầu vượt quá phần silicon còn dư từ ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này dẫn đến sự ra đời của nhiều nhà máy tinh luyện polysilicon ở Trung Quốc. Theo phát hiện của một số phóng viên của Washington Post thì rất ít quốc gia vào thời điểm đó có các quy định ngặt nghèo về việc lưu trữ và xử lý chất thải SiCl4, và Trung Quốc không nằm trong số này.

Điều tra của tờ báo này, xuất bản vào tháng 3/2008, mô tả sơ lược một cơ sở sản xuất polysilicon ở trung quốc thuộc sở hữu của Luoyang Zhonggui High-Technology Co. và nằm gần sông Hoàng Hà trong khu vực tỉnh Hà Nam. Cơ sở này cung cấp polysilicon cho Suntech Power Holdings, vào thời điểm đó là nhà sản xuất tế bào quang điện quy mô nhất thế giới, cũng như cho nhiều công ty pin mặt trời tiếng tăm khác.

Các phóng viên phát hiện ra rằng công ty đã đổ chất thải SiCl4 trên các cánh đồng lân cận thay vì đầu tư vào các thiết bị để xử lý chúng và điều này làm cho các cánh đồng không còn trồng trọt được cũng như làm cay mắt và cổ họng của người dân quanh vùng. Bài báo cũng cho rằng đây không phải là công ty duy nhất làm như vậy.

Sau khi câu chuyện được xuất bản trên Washington Post, giá cổ phiếu của các công ty pin mặt trời lao dốc. Các nhà đầu tư lo sợ rằng những tiết lộ này sẽ ảnh hưởng xấu đến một ngành công nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào tính thân thiện với môi trường. Xét cho cùng thì đó chính là điều thu hút đa số người dùng và giành được sự ủng hộ của công chúng cho các chính sách hỗ trợ việc sử dụng năng lượng sạch, chẳng hạn như Chính sách Hỗ trợ thuế đối với Năng lượng Tái tạo Dân dụng ở Mĩ. Những người mua các thiết bị năng lượng mặt trời dân dụng có thể được giảm thuế tương đương với 30% chi phí mua sắm thiết bị này. Luật này có hiệu lực cho đến năm 2016.

Để bảo vệ danh tiếng của ngành công nghiệp, các nhà sản xuất tấm pin mặt trời đã bắt đầu yêu cầu các thông tin về môi trường từ các nhà cung cấp polysilicon. Nhờ vậy tình hình đang được cải thiện. Trong năm 2011, Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn yêu cầu các công ty phải tái sử dụng ít nhất 98.5% lượng chất thải SiCl4. Các tiêu chuẩn này rất dễ dàng đáp ứng được nếu nhà máy được trang bị máy móc phù hợp. Tuy nhiên, nó cũng còn tuỳ thuộc vào việc các luật lệ này được thực thi như thế nào.

Vấn đề này có thể được giải quyết hoàn toàn trong tương lai. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia về Năng lượng Tái tạo (National Renewable Energy Laboratory) ở Golden, bang Colorado, đang tìm kiếm các phương pháp chế tạo polysilicon từ ethanol thay vì từ các chất hoá học chứa Clo và do đó sẽ tránh được hoàn toàn việc tạo ra SiCl4.

Những nỗ lực để giữ cho điện mặt trời thân thiện với môi trường không chỉ gói gọn trong việc sản xuất polysilicon. Các nhà sản xuất pin mặt trời còn tinh chế các khối polysilicon thành những thỏi silicon và cắt nó ra thành các tấm wafer (tấm nền). Sau đó họ đưa các tạp chất (impurity) có chủ định vào các tấm wafer để tạo ra những cấu trúc pin mặt trời có khả năng tạo ra hiệu ứng quang điện.

Những bước xử lý này sử dụng các chất hoá học nguy hiểm. Chẳng hạn như các nhà sản xuất sử dụng axit HF để làm sạch các tấm nền, loại bỏ các hư hỏng trong quá trình cắt, và xử lý bề mặt để thu nhận ánh sáng tốt hơn. Axit HF làm những điều này rất tốt, nhưng khi tiếp xúc với một người không được trang bị thiết bị bảo hộ, loại chất lỏng có tính ăn mòn mạnh này có thể phá huỷ các mô và làm giảm canxi trong xương. Do đó việc quản lý và sử dụng axit HF phải rất cẩn trọng và nó phải được vứt bỏ theo đúng cách.

Nhưng các tai nạn vẫn cứ xảy ra và thường dễ xảy ra hơn ở những nơi không có nhiều kinh nghiệm sản xuất chất bán dẫn hay có các quy định nghiêm ngặt về môi trường. Vào tháng 8/2011, một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) thuộc sở hữu của Jinko Solar Holding Co., một trong những công ty pin mặt trời lớn nhất thế giới, làm đổ axit HF xuống sông Mujiaqiao và làm chết hàng trăm con cá. Thêm vào đó, nông dân làm việc trên các cánh đồng lân cận đã dùng nước bị nhiễm độc tắm rửa cho gia súc dẫn đến cái chết của hàng chục con lợn.

Trong quá trình điều tra về cái chết của các con lợn, các nhà chức trách Trung Quốc thấy rằng mức axit HF trên sông cao hơn 10 lần so với mức cho phép cho dù rất có thể là họ thực hiện các phép đo này khá lâu sau khi axit HF đã được cuốn trôi về phía hạ lưu. Hàng trăm dân cư địa phương, tức giận về vụ việc, đã tràn vào và chiếm giữ cơ sở sản xuất trong một thời gian ngắn. Lại một lần nữa các nhà đầu tư đã phản ứng: khi các kênh truyền thông lớn đưa tin này vào ngày hôm sau, giá cổ phiếu của Jinko bị mất hơn 40%, tương đương với gần 100 triệu đô-la Mĩ.

Nguy cơ môi trường này cần phải được chấm dứt. Các nhà nghiên cứu ở Rohm & Haas Electronic Materials, một chi nhánh của Dow Chemical, đã tìm ra các chất thay thế cho axit HF dùng trong sản xuất pin mặt trời. Một ứng viên tốt là NaOH. Mặc dù bản thân NaOH là một chất ăn da, nó vẫn dễ xử lý và thải ra hơn là axit HF và gây ra ít nguy hiểm hơn cho công nhân. Việc xử lý nước thải chứa NaOH cũng dễ dàng hơn.

Mặc dù khoảng hơn 90% lượng tấm pin mặt trời ngày nay được chế tạo từ polysilicon, có một cách mới hơn để chế tạo pin mặt trời: công nghệ pin mặt trời dạng màng mỏng (thin-film). Công nghệ này rất có thể sẽ tăng được thị phần vào thập kỷ tới do nó có hiệu năng tương đương với pin mặt trời dùng silicon mà lại có giá sản xuất thấp hơn do dùng ít năng lượng và vật liệu hơn.

solar_waste_2_vn

Phát thải carbon: các nhà sản xuất tấm pin mặt trời cần có điện và nhiệt. Mức thải carbon của họ phụ thuộc rất nhiều vào vị trí địa lý. Các tấm pin sản xuất ở Trung Quốc, với điện năng chủ yếu từ than đá, có mức thải carbon lớn hơn các tấm pin sản xuất ở Châu u. Nguồn:Fengqi You và các cộng sự, Argonne National Laboratory.

Các nhà sản xuất pin mặt trời bằng công nghệ màng mỏng tạo ra các lớp vật liệu bán dẫn trực tiếp trên một tấm kính, kim loại, hay nhựa thay vì trên các tấm wafer được cắt ra từ các thỏi silicon. Công nghệ này tạo ra ít chất thải hơn và tránh được hoàn toàn các công đoạn nấu chảy, kéo, và cắt được dùng trong cách chế tạo pin mặt trời truyền thống. Về cơ bản, một tấm kính đi vào một đầu của dây chuyền và một tấm pin mặt trời đầy đủ chức năng đi ra ở đầu bên kia.

Chuyển sang công nghệ thin-film loại bỏ được nhiều nguy cơ đối với môi trường và an toàn trong sản xuất do nó không dùng đến một số chất hoá học nguy hại—không axit HF hay axit HCl. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta có thể mặc nhiên đóng dấu bảo đảm pin mặt trời từ công nghệ thin-film là thân thiện với môi trường.

Các công nghệ thin-film ngày nay chủ yếu là cadmium telluride và một đối thủ mới xuất hiện, copper indium gallium selenide (CIGS). Ở công nghệ thứ nhất, một lớp bán dẫn được tạo ra từ cadmium telluride và lớp thứ hai được tạo ra từ cadmium sulfide. Còn ở công nghệ thứ hai, vật liệu bán dẫn chính là CIGS, nhưng lớp thứ hai thường là cadmium sulfide. Vậy là các công nghệ này đều sử dụng các hợp chất chứa kim loại nặng cadmium. Đây là chất gây cả ung thư lẫn đột biến gen.

Các nhà sản xuất như First Solar, ở Tempe thuộc bang Arizona, có truyền thống bảo vệ nhân công từ nguy cơ tiếp xúc với cadmium trong quá trình sản xuất. Nhưng có rất ít thông tin về việc công nhân tiếp xúc với cadmium trong những giai đoạn đầu của quá trình xử lý kim loại, từ các quặng kẽm nơi mà hầu hết lượng cadmium được khai thác cho đến khi chúng được nấu chảy để tinh chế cadmium và biến chúng thành các vật liệu bán dẫn. Việc tiếp xúc với các tấm pin mặt trời phế thải cũng là một quan ngại. Hầu hết lượng cadmium telluride mà các nhà sản xuất bỏ đi do các hư hỏng hay do các vấn đề sản xuất đều được tái chế trong các điều kiện an toàn và được giám sát. Còn đối với các sản phẩm đã bán cho người sử dụng thì đã có một chương trình thu hồi và tái sử dụng tấm pin mặt trời được thực hiện ở Châu Âu. Mỗi công ty còn thiết lập riêng các chương trình tái chế, chẳng hạn First Solar với chương trình thu gom của mình. Nhưng cần phải làm nhiều hơn thế nữa. Không phải tất cả mọi người tiêu dùng đều có thể tiếp cận với chương trình thu gom miễn phí và thực sự là nhiều người còn thậm chí không biết rằng họ phải vứt bỏ các tấm pin mặt trời theo đúng cách.

Cách tốt nhất để tránh cho nhân công và môi trường tiếp xúc với chất cadmium độc hại là hạn chế sử dụng hay hoàn toàn không sử dụng cadmium. Đã có hai nhà sản xuất pin mặt trời dùng công nghệ CIGS—là Avancis và Solar Frontier—sử dụng zinc sulfide, một chất khá lành, thay vì cadmium sulfide. Các nhà nhiên cứu ở Đại học Bristol (University of Bristol) và Đại học Bath (University of Bath) ở Anh, Đại học California, Berkeley và nhiều phòng nghiên cứu của các trường đại học và quốc gia đang cố gắng phát triển các pin mặt trời dùng công nghệ thin-film mà không sử dụng các thành phần độc hại như cadmium hay các nguyên tố hiếm như tellurium. Trong khi đó First Solar vẫn liên tục giảm lượng cadmium được dùng trong pin mặt trời của mình.

Chất độc hại không phải là mối lo ngại duy nhất. Sản xuất pin mặt trời còn sử dụng rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, do những tấm pin này lại tạo ra năng lượng nên chúng sẽ trả lại phần năng lượng đã bị tiêu tốn ban đầu. Hầu hết sẽ trả lại toàn bộ năng lượng sau hai năm hoạt động và có những công ty cho biết thời gian hoàn trả năng lượng thậm chí chỉ có 6 tháng. Khoảng “thời gian trả năng lượng” này không phải là khoảng thời gian cần thiết để bù đắp khoản tiền đầu tư của người tiêu dùng vào pin mặt trời. Nó định lượng khoản đầu tư và khoảng thời gian trả theo đơn vị ký điện chứ không theo đơn vị tiền tệ.

Các nhà phân tích cũng xem xét ảnh hưởng của năng lượng dùng trong sản xuất pin mặt trời theo lượng carbon tạo ra trong quá trình tạo ra lượng năng lượng đó—một con số có thể thay đổi rất nhiều. Để thực hiện điều này, chúng tôi gán cho năng lượng một giá trị cường độ carbon, thường được biểu diễn bằng số ký CO2 thải ra trên mỗi ký điện được sản xuất. Những nơi phụ thuộc chủ yếu vào than sẽ có nguồn điện nhiều carbon nhất trên thế giới: nguồn điện ở Trung Quốc là một ví dụ, nó có cường độ carbon khoảng gấp đôi cường độ carbon của nguồn điện ở Mĩ. Điều này phù hợp với kết quả mà các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Illinois và Đại học Northwestern. Trong một báo cáo xuất bản tháng 6 vừa qua, họ cho biết lượng carbon tạo ra trong quá trình chế tạo tấm pin mặt trời ở Trung Quốc vào khoảng gấp đôi so với khi chúng được sản xuất ở Châu Âu.

Nếu các tấm pin mặt trời sản xuất ở Trung Quốc được sử dụng ở Trung Quốc, cường độ carbon cao của năng lượng được sử dụng và của năng lượng được tạo ra sẽ trung hoà lẫn nhau và thời gian cần thiết để cân bằng lượng khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất cũng sẽ bằng thời gian trả lại năng lượng. Nhưng những gì diễn ra gần đây thì không theo kịch bản này. Việc sản xuất hầu hết được thực hiện ở Trung Quốc nhưng các tấm pin mặt trời thường được lắp đặt ở Châu Âu hay Mĩ. Với cường độ carbon cao gấp đôi, thời gian cần để bù đắp cho lượng khí thải nhà kính sẽ dài gấp đôi thời gian trả lại lượng năng lượng đã dùng.

solar_waste_3_vn

Liên minh Giám sát Chất độc hại Silicon Valley (Silicon Valley Toxics Coalition) đánh giá các nhà sản xuất pin mặt trời theo các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn lao động. Trong hình là 19 công ty có điểm cao nhất trong 40 công ty mà liên minh này đánh giá trong năm 2013. Đứng đầu danh sách là Trina Solar (Trung Quốc) với 77 điểm trên tổng số 100 điểm tối đa. Nguồn: Silicon Valley Toxics Coalition.

Tất nhiên, nếu bạn sản xuất pin mặt trời với nguồn điện ít carbon (ví dụ như trong các nhà máy sử dụng điện mặt trời) và sử dụng chúng ở những nước có nguồn điện nhiều carbon, thời gian bù đắp khí nhà kính sẽ ngắn hơn thời gian bù đắp năng lượng. Có lẽ một ngày nào đó việc vận hành các nhà máy sản xuất pin mặt trời bằng các nguồn điện từ gió, mặt trời, và địa nhiệt sẽ loại bỏ mọi lo ngại về mức phí tổn carbon của pin mặt trời.

Một vấn đề khác là nước. Các công ty sản xuất pin mặt trời dùng rất nhiều nước cho các mục đích khác nhau bao gồm làm mát, xử lý hoá học, và kiểm soát ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, sự hao phí nhiều nhất là trong quá trình lắp đặt và sử dụng. Những dự án do các công ty dịch vụ công ích lắp đặt với mức công suất khoảng 230 đến 550 MW cần dùng đến 1,5 tỷ lít nước để loại bỏ bụi trong khi lắp đặt và 26 triệu lít nước mỗi năm để rửa các tấm pin trong quá trình sử dụng. Dù sao thì lượng nước dùng trong sản xuất, lắp đặt và vận hành pin mặt trời vẫn thấp hơn nhiều so với lượng nước cần để làm mát các nhà máy nhiệt điện chạy bằng chất đốt hoá thạch.

Những lựa chọn của các nhà đầu tư và người tiêu dùng, về nguyên tắc, có thể ảnh lưởng mạnh mẽ đến cách làm việc của các công ty sản xuất. Nhưng cũng thường rất khó để đánh giá sự khác biệt về mức độ quan tâm đến môi trường của các công ty này. Ngành công nghiệp pin mặt trời không có một nhãn đánh giá môi trường, kiểu như nhãn Energy Star trên các thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng để giúp người mua nhận biết hiệu suất năng lượng của các sản phẩm. Còn nữa, hầu hết mọi người không tự đi mua các tấm pin mặt trời. Họ thuê các công ty lắp đặt làm việc này. Do đó, ngay cả khi có một hệ thống nhãn đánh giá môi trường thì việc chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn phụ thuộc vào thái độ của người lắp đặt.

Vào thời điểm này, người sử dụng có thể thúc đẩy các nhà sản xuất tăng cường các tiêu chuẩn môi trường và an toàn bằng cách hỏi các công ty lắp đặt về công ty chế tạo sản phẩm mà mình sẽ sử dụng. Điều này sẽ khiến cho các công ty lắp đặt yêu cầu thêm thông tin từ nhà sản xuất.

Các nhà nghiên cứu ở National Photovoltaics Environmental Research Center (trung tâm nghiên cứu về ảnh hưởng của pin mặt trời đối với môi trường) có trụ sở ở Upton, New York, đã công bố các nghiên cứu về những nguy cơ đối với môi trường từ pin mặt trời. Gần đây, các xếp hạng chính thức về ảnh hưởng môi trường trong lĩnh vực pin mặt trời đã bắt đầu xuất hiện.

Những tổ chức như Center for International Earth Science Information Network đang nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá về môi trường, sức khoẻ, và độ an toàn của các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển. Nhóm này, trong đó có các nhà nghiên cứu từ đại học Yale và Columbia, đang đề xuất China Environmental Performance Index (Chỉ số Hoạt động Môi trường Trung Quốc) như một chỉ số được theo dõi ở mức độ cấp tỉnh để giúp Trung Quốc theo dõi sự tiến triển của các mục tiêu về chính sách môi trường.

Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (Solar Energy Industries Association), một tổ chức thương mại Mĩ, đã đưa ra các khuyến nghị mới trong tài liệu “Cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường của ngành pin mặt trời” (Solar Industry Environment & Social Responsibility Commitment) nhằm ngăn chặn tình trạng bệnh tật và chấn thương, ngăn chặn ô nhiễm, và giảm bớt việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong quá trình sản xuất. Tài liệu này thúc giục các công ty yêu cầu các nhà cung cấp đưa ra các báo cáo về quy trình sản xuất cũng như việc sản sinh khí nhà kính và các chất hoá học.

Thêm vào đó, Silicon Valley Toxics Coalition, tổ chức đánh giá tác động môi trường của các công ty điện tử, đã khảo sát và xếp hạng các công ty sản xuất pin mặt trời có trụ sở hoặc hoạt động ở Trung Quốc, Đức, Malaysia, Phillipines, và Mĩ. Việc tham gia là hoàn toàn tự nguyện và cho đến lúc này đã có các nhà sản xuất chính như First Solar, SolarWorld, SunPower, Suntech, Trina, và Yingli; các công ty Trina và Yingli của trung quốc đã thường xuyên được xếp trong nhóm ba công ty thể hiện trách nhiệm với môi trường tốt nhất. Các công ty Sharp, SolarWorld, và SunPower đã theo dõi sát sao lượng khí nhà kính mà mình thải ra cũng như các hoá chất được dùng trong quá trình sản xuất pin mặt trời của mình trong nhiều năm.

Những sáng kiến đó là kịp thời. Hiện nay nhiều người xem pin mặt trời như là giải pháp cho những lo lắng về năng lượng của chúng ta khi hầu hết những giải pháp thay thế không được thân thiện với môi trường cho lắm. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề tiêu cực của công nghệ này. Và rất có thể, với những nỗ lực không mệt mỏi của người tiêu dùng, các nhà sản xuất, và các nhà nghiên cứu, một ngày nào đó pin mặt trời sẽ thực sự là một công nghệ, chứ không chỉ là một biểu tượng, sạch.

Tác giảDustin Mulvaney là giáo sư (assistant professor) chuyên ngành môi trường ở San Jose State University, bang California. Ông nghiên cứu các lĩnh vực công nghiệp năng lượng mặt trời, xăng sinh học, và khí thiên nhiên. Mặc dù thừa nhận mình vừa là người ủng hộ vừa là người sử dụng pin mặt trời với một dãy pin mặt trời trong sân nhà, ông thấy rằng mình phải quan tâm nhiều hơn đến những nguy cơ sức khoẻ đáng kể và những chi phí môi trường của pin mặt trời kể từ khi thực hiện những nghiên cứu của mình.


Advertisement

One comment

  1. Bài này phân tích hay quá
    Đánh dấu làm tài liệu sau này
    Thanks bác

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: