Chíp thu phát WiFi mới của Intel có hầu hết các mạch cao tần (RF) được thay thế bởi mạch digital nhưng liệu nó có thành công trên thị trường?

Intel đã thiết kế lại chíp Wi-Fi với các hầu hết các thành phần là mạch digital (Hình: Intel. Nguồn: IEEE Spectrum Magazine.)
Có thật là mạch analog đang hết thời không? Chắc là không, bởi vì thế giới này là một thế giới analog và chúng ta cần các mạch analog để tương tác với nó. Nhưng vì các thiết bị analog nói chung là khó mà thu nhỏ lại hơn nên chúng đang dần bị thay thế bởi các thiết bị digital. Một con chíp thu phát sóng thử nghiệm được phát triển bởi Intel cho thấy xu hướng này đang xảy ra nhanh hơn.
Tháng 9/2012, tại diễn đàn các nhà phát triển hàng năm của Intel tại San Francisco, Intel đã cho ra mắt con chíp thu phát Wi-Fi mới có hầu hết các mạch cấu thành là digital. Intel gọi con chíp là “bộ thu phát sóng của định luật Moore,” bởi vì nó có thể được thu nhỏ lại, theo định luật Moore, như các mạch digital khác. Công nghệ này sẽ cho ra đời các thiết bị di động nhỏ hơn và mỏng hơn bằng cách tích hợp các bộ thu phát sóng và các bộ xử lý của một chiếc điện thoại thông minh trong cùng một chíp silicon. Tuy nhiên, chưa rõ là khi nào công nghệ này sẽ thành hiện thực và nó sẽ tác động như thế nào lên các sản phẩm.
Viễn cảnh về chiếc điện thoại chỉ với một chíp của các nhà sản xuất vẫn chưa trở thành hiện thực bởi vì các mạch cao tần gần như phải được thiết kế lại mỗi khi công nghệ sản xuất thay đổi và các thành phần analog như cuộn cảm chẳng hạn không trở nên tốt hơn khi chúng được thu nhỏ lại. Chính vì vậy mà công nghệ sản xuất chíp analog thường đi sau công nghệ sản suất chíp digital một vài thế hệ.
Chuyển các bộ thu phát sóng – hay ít nhất một vài thành phần của chúng – từ analog sang digital có thể sẽ xoá bỏ được khoảng cách công nghệ đó. Theo thời gian, mạch digital lấn sang lĩnh vực analog nhiều hơn. Một ví dụ điển hình là mạch PLL (phase-locked loop), một mạch quan trọng trong xử lý tín hiệu, đã được xây dựng từ các thành phần digital.
Để làm con chíp này, Intel nói rằng họ phải quay lại với các nguyên lý toán học cơ bản của liên lạc không dây. “Đó không chỉ đơn thuần là thay thế các thành phần analog,” Yorgos Palaskas, trưởng nhóm tích hợp bộ thu phát không dây của Intel nói. “Phải làm cách khác.” Ví dụ như trong mạch phát, thay vì xử lý các thông tin dưới dạng sóng cao tần, mạch phát lại giữ các thông tin ở dạng digital cho đến khi chúng được khuếch đại và phát đi. Các thông tin về biên độ của tín hiệu được mã hoá bởi thời điểm mà tín hiệu digital chuyển giữa 0 và 1.

Trên: bộ thu phát analog truyền thống. Dưới: bộ thu phát digital. Bộ thu phát Wi-Fi mới của Intel gần giống như bộ thu phát digital ngoại trừ việc bên phía máy thu vẫn còn sử dụng một số bộ lọc dạng analog. (Sơ đồ mạch: George Retseck. Nguồn: IEEE Spectrum Magazine.)
Bộ thu phát Wi-Fi mới của Intel chưa hoàn toàn là digital, Palaskas nhấn mạnh. Một số thành phần vẫn là analog. Thiết kế vẫn còn chưa được tối ưu hoá về diện tích và vẫn còn tiêu thụ nhiều điện năng hơn bộ thu phát analog. “Tuy nhiên điều quan trọng là việc xây dựng con chíp trên nền tảng digital cho phép thu nhỏ nó trong tương lai,” Palaskas nói. Bộ thu phát “sẽ càng lúc càng tốt hơn qua mỗi thế hệ.” Tại diễn đàn các nhà phát triển của Intel, Palaskas nhấn mạnh rằng việc chuyển từ công nghệ 90nm sang công nghệ 32nm đã giảm kích thước của bộ tổng hợp tần số – một thành phần của bộ thu phát – còn một phần tư và giảm công suất tiêu hao từ 50mW xuống còn 21mW.
Intel đã thu hút nhiều sự chú ý khi trình bày chi tiết về các thành phần chính của bộ thu phát tại Hội Nghị Quốc Tế về Mạch Bán Dẫn (IEEE International Solid-State Circuits Conference – ISSCC) vào đầu năm nay. “Trên phương diện kỹ thuật, thiết kế này rất mới lạ,” Robert Staszewski, phó giáo sư ở Đại Học Công Nghệ Delft (Delft University of Technology), Hà Lan nhận xét. Staszewski từng là kỹ sư trưởng của nhóm Digital RF Processor của Texas Instrument chịu trách nhiệm phát triển các mạch digital có thể tích hợp được với các bộ xử lý của điện thoại di động.
Bộ thu phát của Intel có thể sẽ hoạt động tốt với các bộ xử lý cao cấp của các điện thoại thông minh ngày nay. Trước đây Intel đã trình diễn một chíp có tên mã là Rosepoint có 2 nhân Atom và một bộ thu phát Wi-Fi với nhiều thành phần analog hơn bộ thu phát mà Intel vừa giới thiệu. Tuy nhiên, các bộ thu phát digital trong tương lai gần có lẽ sẽ không được tích hợp nhiều như vậy. Giám đốc công nghệ của Intel, Justin Rattner, nói rằng công nghệ mới này sẽ xuất hiện dần dần trong các chíp thu phát trong tương lai.

Chíp Rosepoint của Intel với 2 nhân Atom và bộ thu phát Wi-Fi cùng tích hợp trên nền tảng 32nm. (Hình: Intel.) [Hình minh họa được người dịch thêm vào.]
Nên nhớ rằng các bộ thu phát analog cũng luôn luôn được cải tiến, Mark Hung, một giám đốc nghiên cứu ở Gartner, nói. Mặc dù thiết kế mạch analog tốn nhiều thời gian hơn, ông nói, nhưng các nhà sản xuất chíp “luôn có sáng kiến để thu nhỏ nó lại.”
Dù sao đi nữa, Staszewski nói, việc Intel giới thiệu bộ thu phát digital rất có thể sẽ khởi tạo một sự thay đổi trong toàn bộ ngành công nghiệp. Tuy nhiên, cả các kỹ sư thiết kế analog cũng như các kỹ sư thiết kế digital đều tin là kỹ thuật thiết kế của mình mới là hiệu quả, và vì vậy quá trình số hoá chỉ mới ở những bước đầu tiên. “Tôi nghĩ rằng Intel là một nhân tố quan trọng,” ông nói. Đôi khi, nếu một người khổng lồ bắt đầu làm một việc gì đó, “tất cả mọi người sẽ làm theo.”
- Nguyên bản tiếng Anh: “Wi-Fi Radio Takes a Digital Turn”, Rachel Courtland, IEEE Spectrum, November 2012
- Người dịch: Tạ Minh Chiến
- Kiểm tra và hiệu chỉnh: Huỳnh Trọng Anh
- Bài viết có sử dụng hình ảnh và tư liệu bên ngoài để minh hoạ thêm cho nguyên bản tiếng Anh
May quá vẫn còn LNA với PA để mình design 🙂
Còn mixer bên phần thu nữa mà anh Hoàng Lê 🙂
Anh Hoàng trúng mánh rồi nhé.
anh em nha minh chac da so lam ve analog ah? digital ngay cang thong linh nhung ko the nao thay the het chuc nang cua phan analog dc 😀