Ghi chú: Bài dịch này là một phần trong loạt 2 bài bàn về ảnh hưởng của Google Glass tới xã hội.
- Phần 1: Sơ lược về Glass và ảnh hưởng đến quyền riêng tư
- Phần 2: Phân tích của các chuyên gia công nghệ
Dự án về “máy tính phục trang”* của gã khổng lồ công nghệ hiện đang được thử nghiệm với sự tham gia của các tình nguyện viên. Điều này đồng nghĩa với khả năng bạn đã bị quay phim lén và các đoạn phim này đã bị tải lên hệ thống máy tính của Google. Liệu có đáng lo không?
Sergey Brin – đồng sáng lập Google – đeo Google Glass tại tuần thời trang New York. Hình: Associated Press.
Nếu bạn chưa từng nghe nói tới sự phấn khích của công chúng đối với Google Glass – thiết bị không chỉ đeo được như kính thông thường mà còn có thể quay phim, chụp ảnh, và đăng tải những gì bạn đang quan sát lên Internet – thì đây là một ví dụ điển hình. Cuối tháng 2 năm nay, có người rao đấu giá bộ Glass thử nghiệm tại eBay với giá khởi điểm là 1500 Đô la Mỹ. Giá được đã đẩy lên tới 16 nghìn Đô la Mỹ khi eBay không cho phiên đấu giá tiếp tục với lý do là người rao bán không chứng minh được rằng họ thực sự sở hữu thiết bị này. Theo thông tin chính thức thì phải tới 01/03/2013, tình nguyện viên Glass mới được nhận thiết bị này.
Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, Glass sẽ có mặt ở khắp mọi nơi. Trong suốt 50 năm qua, chúng ta đã lần lượt sử dụng từ những máy tính to bằng cả căn phòng cho tới những máy tính nằm gọn trong túi quần. Ngày nay, bất kỳ một chiếc điện thoại thông minh nào cũng có năng lực tính toán tương đương với một chiếc máy tính xách tay cao cấp 10 năm về trước.
Bước kế tiếp sẽ là những máy tính nằm vừa vặn trên người bạn, cùng với ý tưởng dùng giọng nói để vận hành chúng. Các đoạn phim giới thiệu được Google công bố rộng rãi gợi ý rằng bạn có thể lưu giữ được khoảng khắc ngay cả khi hai tay đang bận chơi quay tròn với con mình chỉ bằng cách nói (bằng tiếng Anh), “OK Glass, quay phim” hay “OK Glass, chụp ảnh”. Thực tế thì người điều khiển phải nghiêng đầu hoặc chạm tay vào bên cạnh rồi nói như trên để kích hoạt Glass. Ngoài cách này chỉ còn cách gắn một chiếc máy quay phim lên đầu để lấy được góc nhìn tương tự. Sergey Brin, người hiện đang điều hành dự án viễn tưởng này, cũng đã trình diễn sử dụng Glass, được gắn cùng với kính đen, trong dịp xuất hiện và thuyết trình ở hội thảo TED (Technology, Entertainment and Design). Diện mạo của Brin trong dịp này khiến ta có liên tưởng tới những kẻ cướp vũ trụ trong phim viễn tưởng.
Trong phần thuyết trình, Brin ví sử dụng điện thoại thông minh là “yếu ớt, nhu nhược”. Mặc dù vậy, công chúng cũng đã bắt đầu nhíu mày về ảnh hưởng tiềm tàng của Glass tới cộng đồng. Quan ngại đầu tiên và rõ rệt nhất là về quyền riêng tư. Thứ nhì là: chúng ta sẽ cư xử ra sao trong cộng đồng khi nguồn xao nhãng bất tận, Internet, thực sự chỉ cách có một cái liếc mắt.
David Yee, giám đốc công nghệ của công ty Editorially, đề cập tới điểm này qua một mẩu tin đăng trên mạng xã hội Twitter, nội dung như sau: “Có một anh chàng đang đeo Google Glass trong nhà hàng này mà vừa mới đây thôi vẫn còn là nơi tôi ưa thích.”
Yee lo rằng chàng trai trẻ này đang quay phim và đăng tải lên hệ thống máy tính của Google hay lên một trang Google+, mạng xã hội của người khổng lồ công nghệ. Nghe có vẻ khá lạnh gáy. Nhưng thực ra thì không hoàn toàn vô lý. Joshua Topolsky, một nhà báo về công nghệ người Mỹ, một trong số hiếm hoi được Google mời thử nghiệm Glass, đã làm chính điều tương tự. Topolsky đeo Glass trong khi cùng một đoàn quay phim ghé qua một quán Starbucks. Đoàn quay phim bị yêu cầu ngừng quay. “Nhưng tôi để Glass quay từ đầu đến cuối.”
Dù sao thì bạn cũng có thể tự hỏi, thế thì đã sao? Vấn đề là: đây có phải một công ty kính mắt vô danh nào đâu, là Google hẳn hoi đấy chứ. Xin thưa, đây chính là công ty đã liên tiếp phá vỡ các ranh giới mà chúng ta cho là “riêng tư”. Từ việc phát triển mạng xã hội Google Buzz dựa trên danh sách thư điện tử của người dùng để rồi bị FTC, cơ quan quản lý thương mại của Hoa Kỳ, điều tra rồi buộc công ty này phải chịu sự giám sát chặt chẽ về các vấn đề liên quan tới quyền riêng tư trong vòng 20 năm. Rồi vụ rắc rối liên quan tới những bức hình trong dịch vụ Street View, tới việc cố tình thu thập lén dữ liệu từ sóng wifi trong khi chụp những bức hình này (bị FCC, cơ quan quản lý về truyền thông của Hoa Kỳ, phạt 25 nghìn Đô la Mỹ vì cản trở tiến trình điều tra). Đó là chưa kể tới những chỉ trích họ phải hứng chịu ở Châu Âu, do thái độ về bảo vệ dữ liệu riêng tư của người dùng. Tháng 10 năm ngoái, Các ủy ban quản lý về thông tin của Châu Âu than phiền rằng việc Google gộp tất cả các chính sách về quyền riêng tư tại các dịch vụ của họ đồng nghĩa với việc sử dụng thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý của người dùng.
Với Google, “riêng tư” có nghĩa là “những điều bạn đã đồng ý”, điều này hơi khác với sự riêng tư mà chúng ta vốn quen thuộc. Vậy liệu chúng ta nên cảm thấy thoải mái hay khó chịu với viễn cảnh trong đó những việc chúng ta làm ở nơi công cộng hay bán công cộng, thậm chí có thể cả ở nơi biệt lập có thể bị ghi lại rồi phát tán qua các dịch vụ của Google? Nhiều khả năng, lần đầu sử dụng Glass, bạn sẽ vấp phải một danh sách dài các điều khoản pháp lý và ở cuối danh sách này là một nút “Đồng ý”. Rồi vì những lý do như nóng vội hay bất cẩn, bạn chấp nhận những điều khoản này ngay lập tức mà không hề biết bản thân và những người xung quanh sẽ phải đối mặt với điều gì. Liệu một em bé có biết xin phép để ghi hình hay đồng ý trở thành đối tượng bị quay phim? Liệu một người trưởng thành tình cờ xuất hiện trong khung hình máy quay có tán thành? Ai là người sở hữu và điều gì sẽ xảy ra đối với những dữ liệu này?
*Máy tính phục trang hay “wearable computer” là các thiết bị điện toán nhỏ gọn có thể được đeo hay mang trên cơ thể hoặc quần áo của người sử dụng. Các thuật ngữ tương đương với “máy tính phục trang” là “body-borne computer”, tạm dịch là “máy tính mang trên cơ thể người”, và “smart clothing”, tạm dịch là “phục trang thông minh”.
-
Nguyên bản tiếng Anh: “Google Glass: is it a threat to our privacy?,” Charles Arthur, The Guardian, United Kingdom, March 2013
-
Người dịch: Phạm Duy Đông
- Hiệu chỉnh: Nguyễn Ngọc Hoa Phượng
Video tham khảo: Sergey Brin – đồng sáng lập Google.com, trưởng dự án phát triển Glass, trò chuyện về Glass và điện thoại thông minh tại hội nghị TED 2013.