Liệu “Google Glass” có là ẩn họa cho sự riêng tư của chúng ta? – Phần 2: Phân tích của các chuyên gia công nghệ

Ghi chú: Bài dịch này là một phần trong loạt 2 bài bàn về ảnh hưởng của Google Glass tới xã hội.


Oliver Stokes, thiết kế trưởng tại PDD, một hãng chuyên trợ giúp các khách hàng như LG, Vodafone, và Fujitsu thiết kế sản phẩm, cho rằng tình huống trong nhà hàng của Yee là “đáng quan ngại”. “Ý tưởng về việc bạn có thể vô ý trở thành một phần trong dữ liệu của một cá nhân khác là rất đáng lo. Thêm nữa, ngoài việc biết được bạn đang ở đâu và đang tìm kiếm gì, Google giờ đây còn có thể biết được rằng bạn đang nhìn gì.”

Ông Stokes chỉ ra rằng điều này có thể rất hữu dụng. “Các siêu thị và các công ty bao bì vẫn đang chi rất nhiều vào việc tìm hiểu xem bạn nhìn vào gói hàng nào đầu tiên trên kệ. Nhiều khả năng, với Glass, họ sẽ mặc nhiên có được thông tin này. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn vì nó sẽ giúp xác định những lý do khách hàng mua đồ.”

Tất nhiên là những lợi ích này không phải dành cho người dùng mà cho Google vì họ sẽ bán dữ liệu thu được (rất may là ở dạng nặc danh). Thực ra điện thoại thông minh hiện cũng đang cung cấp rất nhiều chi tiết cá nhân của người dùng. Song Chaoming, một nghiên cứu viên tại đại học Northeastern ở Boston, đã phân tích các bản ghi dữ liệu từ điện thoại di động (bao gồm cả danh sách những trạm phát mà chiếc điện thoại đã kết nối tới), và phát triển một thuật toán có thể dự đoán vị trí của chủ chiếc điện thoại đó vào bất kỳ thời điểm nào với độ chính xác vào khoảng 93%. Giải thuật này dựa trên phép nội suy tam giác dựa trên cường độ các tín hiệu từ các trạm phát, đây cũng là một phần của tính năng hiển thị vị trí trên bản đồ của máy. Chaoming đã phân tích các tập dữ liệu của khoảng 50.000 người, độ chính xác không lúc nào thấp hơn 80%.

Nên nhớ rằng Chaoming chỉ thực hiện nghiên cứu này với thời gian rỗi của anh. Nếu xem xét kỹ vấn đề này theo các khía cạnh như việc Google có nhiều nhóm chỉ để xây dựng các thuật toán giúp họ xác định vị trí của các máy điện thoại, cộng với những điều công ty này đã làm trong quá khứ, rồi tới khả năng tìm kiếm thông tin của họ thì bạn sẽ nhận ra rằng, nếu bạn sử dụng một chiếc điện thoại Android, Google có khả năng biết điều bạn sẽ làm trước khi bạn thực sự làm điều đó.

Ý kiến phản bác lại những lo âu này là chúng ta đã và đang bị các máy ghi hình CCTV quay phim rồi. Yee đáp lại “Không chỉ 5.000 máy quay cho một thành phố mà là năm triệu. Không phải 5.000 màn hình theo dõi mà chỉ có một.” Năm triệu ở đây là số lượng những người đeo Glass, còn màn hình theo dõi duy nhất chính là Google, luôn thu thập, sàng lọc thông tin và kiếm lời từ đó.

Một người mẫu đeo Glass tại tuần thời trang New York. Hình: Andrew Kelly, Reuters

Dù sao thì chúng ta đang sống trong một thế giới mà các ranh giới giữa riêng tư và công khai đang dần phai nhòa. Có hôm mạch tin trên tài khoản Twitter của tôi xuất hiện một loạt tin từ một người kể về việc chứng kiến cuộc cãi vã nảy lửa của một cặp đôi trong quán cà phê. Người đàn ông thì ngoại tình với nhiều người, người phụ nữ thì hoàn toàn suy sụp. Sự bất hạnh của họ bị phơi bày công khai mặc cho quán cà phê không hẳn là một địa điểm công cộng. Nếu hai người này hay bạn bè của họ dùng Twitter, họ có thể thấy vụ cãi vã. Ngoài ra, nội dung trên Twitter bị lưu trữ và có thể tìm kiếm qua khá nhiều dịch vụ mạng.

Các dịch vụ mạng xã hội như Twitter, cùng với sự phổ biến của điện thoại có máy ảnh, và giờ là điện thoại thông minh với khả năng quay phim và tự động tải những hình ảnh ghi được lên mạng, có nghĩa là chúng ta ngày càng quen thuộc với những câu chuyện được kể cùng với các tấm hình hay đoạn phim chụp vội. Không có điều này, chúng ta sẽ không thể biết được sự thật về cái chết của người bán báo Ian Tomlinson trong cuộc biểu tình ở G20.

Nếu tất cả những người có mặt ở đó đều đeo Glass hay một thiết bị tương tự, đồng thời truyền trực tiếp nội dung ghi được từ máy ảnh lên mạng thì sẽ ra sao? Liệu cảnh sát có hành xử khác đi. Google hiện tại không muốn bàn đến những vấn đề này. “Chúng tôi không có bình luận gì,” một người phát ngôn của hãng nói. Tuy nhiên các nguồn tin khác cho rằng Google có biết tới các vấn đề nóng hổi này nhưng hiện tại chỉ muốn quan sát diễn tiến. Đây là một phần trong kế hoạch của chương trình “Glass Explorer”. Mục đích của Glass Explorer là đưa thiết bị này tới cho những người bình thường sử dụng.

Một người yêu cầu giữ kín danh tính, khi trao đổi với nhân viên của Google, đã cho biết. “Có thể là các quy tắc xã giao mới sẽ dần được hình thành cùng với Glass. Ví dụ như đeo Glass ở cổ để cho mọi người xung quanh biết là họ đang không dùng hay bị xao nhãng vì thiết bị này. Thu thập các ý kiến phúc đáp về cả tác động xã hội và thiết bị là một trong những lý do hãng này tiến hành chương trình Explorer.”

Một băn khoăn lớn nữa về Glass là: chúng ta sẽ xử sự với nhau ra sao với nó? Kinh nghiệm của bản thân tôi với một bộ kính trượt tuyết, tương tự như Glass, cho thấy rằng rất dễ bị mất tập trung. Bộ kính mang nhãn hiệu Recon này có một thấu kính nằm ở phía trên của bên phải, hiển thị các thông tin như tốc độ, độ cao của bạn, thậm chí cả bản đồ của khu trượt tuyết, rất hữu ích khi tuyết rơi dầy. Khi đeo bộ kính này và nói chuyện với người khác, tôi rất hay ngước mắt lên đọc thứ gì đó trên màn hình. Sau chỉ một tuần sử dụng, việc tập trung vào hoạt động hiện tại hay không có thể thay đổi qua lại trong nháy mắt. Tuy vậy, màn hình này không quá to, nên khi cần tôi vẫn giữ tập trung được.

Carolina Milanesi, một chuyên gia phân tích về điện thoại thông minh và máy tính bảng của công ty nghiên cứu Gartner, cho hay: “Điều thú vị là sự mất tập trung này là điều đầu tiên tôi nghĩ tới, chứ không phải những điều Glass mang tới cho bạn mà điện thoại thông minh không thể, về mặt chia sẻ hay truy cập nội dung, mà là không ai biết người đeo Glass làm những việc này. Nói cách khác, nếu tôi dùng điện thoại để chụp ảnh, người mà tôi chụp sẽ biết, nếu tôi dùng Glass thì không.”

Dù cho công việc có liên quan nhiều tới công nghệ thì Milanesi vẫn quan ngại rằng liệu chúng ta có sử dụng công nghệ quá nhiều rồi không còn thời gian giao tiếp trực tiếp với cộng đồng. Milanesi có mối lo ngại về tình trạng trong nhà hàng khác với của Yee. Tháng 6 năm 2011, bà chỉ ra tác động của điện thoại thông minh tới chúng ta: “Hãy nhìn xung quanh nhà hàng, hay quán cà phê xem bao nhiêu người, thậm chí là các cặp đôi, dù đang ngồi cùng nhau nhưng cả hai đều nhìn chằm chằm vào điện thoại.” Glass có thể sẽ cải thiện mặt này nhưng liệu thoạt nhìn họ có vẻ đang nhìn nhau, nhưng thực tế thì đang đọc thư điện tử hay xem phim? Topolsky, người được sử dụng Glass vài ngày cho biết: “Nó đem lại đôi điều mới mẻ vào góc nhìn (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), điều này có giá trị và tiềm năng rất lớn … càng sử dụng Glass tôi càng thấy nó hợp lý và càng muốn sở hữu nó hơn nữa.”

Topolsky rất thích việc tin nhắn hay các cuộc gọi đến chỉ xuất hiện dưới dạng thông báo, do đó anh ta có thể tiếp nhận chúng mà không cần phải lấy điện thoại ra để xem ai gọi tới. Cần biết phương hướng khi đang đi bộ? Đã có trên màn hình Glass. “Đi trên phố, Glass khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và chắc chắn là ít bị lạc đường hơn,” Topolsky nói. Dù vậy, anh ta nói thêm “Tuy vậy nó sẽ không tuyệt đến thế tại một buổi tiệc, hay một cuộc hẹn, hay đi xem phim.”

Mark Hurst, nhà sáng lập hãng Creative Good, một công ty chuyên về cải thiện trải nghiệm của khách hàng, bình luận rằng “Các cuộc trò chuyện riêng với ai đó đeo Glass nhiều khả năng sẽ khá khó chịu. Bởi vì bạn sẽ nghi ngờ mức độ tập trung của người này. Hơn nữa bạn cũng không thể yêu cầu họ tháo Glass ra, nhất là khi được lắp lên kính thuốc. Cuối cùng, rắc rối thực sự ở chỗ là bạn không biết họ có đang quay phim bạn hay không.”

Ông Stokes chỉ ra rằng ngôn ngữ cử chỉ đã thay đổi khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến: dáng đi lom khom nhìn xuống chiếc BlackBerry chỉ có ở người làm trong ngành tài chính 10 năm trước thì giờ đây có thể thấy ở khắp nơi.

Ngoài ra, ông Stokes cho rằng: “Tôi nghĩ là sẽ có cải tiến về thiết kế. Có thể là Glass sẽ phải có tấm che ống kính để mọi người thấy là bạn không quay phim.” Ông cũng chỉ ra rằng thiết kế hiện tại của Glass được điều khiển bằng tiếng nói – như câu lệnh “OK, Glass, quay phim”. Điều này có thể khiến cho người dùng ngại sử dụng hơn ở các địa điểm công cộng. “Khi tôi có để ý quan sát những người sử dụng Siri** thì không hề thấy họ sử dụng phần mềm này ở những nơi công cộng. Có lẽ là do trông phụ thuộc vào công nghệ nhiều quá́.”

“Chúng ta sẽ phải tự xác định ra quy tắc ứng xử thông thường trong bối cảnh mới,” Stokes nói. “Tôi băn khoăn là liệu nói và ra hiệu bằng cử chỉ có bị cấm ở nơi công cộng không.” Milanesi thì nói “Hiện tại, chồng tôi vẫn nói đùa với tôi về tương tai tôi sẽ đăng lên Foursquare [mạng xã hội để chia sẻ vị trí] vị trí tấm thảm tôi đang đứng. Liệu Glass sẽ đem lại cho chúng ta bao nhiêu thông tin nữa? Và mặt trái của nó: liệu chúng ta sẽ chia sẻ bao nhiêu thông tin với người khác, và rồi ở mức độ nào thì điều này gây ra phản ứng tiêu cực? Và đến lúc nào thì sẽ là quá mức?

* Phép nội suy tam giác là phép xác định vị trí điểm thứ 3 của một tam giác khi biết trước vị trí hai điểm còn lại cùng với hai góc của tam giác đó.

** Siri là phầm mềm điều khiển bằng tiếng nói của Apple, hoạt động trên hệ điều hành iOS của hãng.



Video tham khảo: Joshua Topolsky – phóng viên về công nghệ của TheVerrge.com sử dụng thử Google Glass.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: