Số phận lênh đênh của dự án băng thông rộng trị giá 44 tỷ đô-la của Úc

Vì sao Úc quyết định bỏ dở tham vọng đưa cáp quang đến mọi hộ gia đình?

Tháng 4/2009, thủ tướng lúc đó của Úc, ông Kevin Rudd, đã tung một quả bom lên mặt báo và cộng đồng công nghệ thế giới: chính quyền dưới sự lãnh đạo của đảng Lao Động (Labor Party) của ông sẽ đưa Internet băng thông rộng đến với từng người dân ở Úc. Đó là một dự án táo bạo, đặc biệt bởi vì Úc là quốc gia thưa người nhất trên trái đất.

Mạng băng thông rộng quốc gia (National Broadband Network – NBN), tên gọi của dự án, sẽ đưa cáp quang tốc độ cao đến với các hộ gia đình, trường học, và công sở của 93% dân cư Úc. 7% còn lại, sống ngoài phạm vi của mạng cáp quang, trong các vùng nông thôn và các vùng hẻo lánh ở giữa lục địa, sẽ được kết nối với Internet bằng các công nghệ vệ tinh và không dây hiện đại nhất.

Chính phủ và các công ty viễn thông ở những nước khác như Nhật, New Zealand, Singapore, và Hàn Quốc, cũng có những nỗ lực tương tự để triển khai các mạng cáp-quang-đến-từng-hộ-gia-đình (fiber-to-the-premises, FTTP) rộng khắp. Nhưng những nước đó nhỏ hơn và có mật độ dân cư cao hơn nhiều so với Úc. Úc có diện tích đất gần như bằng diện tích cả nước Mĩ nhưng dân số chỉ bằng 7%—thậm chí còn ít hơn cả dân số bang Texas. Để lắp đặt một mạng cáp quang cho cả nước, chính quyền sẽ cần rất nhiều nhân công và sử dụng một lượng đường sá, cột điện, và ống ngầm nhiều chưa từng thấy.

Thật vậy, chi phí ước tính của NBN rất cao: con số mới nhất là 45.6 tỷ đô-la Úc (44.1 tỷ đô-la Mĩ). Đó sẽ là một trong những hệ thống FTTP lớn nhất và có độ thâm nhập sâu nhất mà chính quyền một nước từng cố gắng triển khai. Nhưng dù cho chi phí cao, tác động của nó cũng rất lớn: đưa khả năng truy cập băng thông rộng đến với các vùng chưa phổ biến và cũng đồng thời nâng cao mức sống cho mọi nơi bằng việc khuyến khích các sáng kiến trong lĩnh vực khám bệnh từ xa, giáo dục từ xa, thương mại điện tử, và hành chính điện tử. Một báo cáo nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ do Deloitte Access Economics công bố trong năm nay đã kết luận rằng NBN sẽ đem lại nhiều cơ hội việc làm, tiết kiệm thời gian, và các lợi ích khác, có giá trị trung bình 3800 đô-la Úc (3600 đô-la Mĩ) cho mỗi hộ gia đình vào năm 2020 khi việc triển khai gần như hoàn tất. Thêm vào đó, do băng thông rất lớn của sợi quang nên các thiết bị thu phát có thể được nâng cấp mãi mãi chỉ với chi phí thấp. Điều này cho phép NBN theo kịp nhu cầu tốc độ dữ liệu tăng cao không ngừng trong những thập kỉ tới.

Bất chấp những lợi ích trên, một số chính trị gia và kênh truyền thông bảo thủ vẫn kịch liệt phản đối dự án này. Trong chiến dịch tranh cử trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 9, số phận của NBN đã được đem ra tranh luận một cách sôi nổi. Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số những người đi bầu ủng hộ dự án, họ vẫn không bầu cho đảng Lao Động mà lại đưa một nhóm liên kết các đảng tương đối bảo thủ được gọi là đảng Liên Minh (Coalition) lên nắm quyền. Lãnh đạo của đảng Liên Minh, bây giờ là thủ tướng, ông Tony Abbott đã hứa là sẽ thu nhỏ đáng kể hệ thống mạng này.

Thế là giờ đây, sau ba năm hoạch định và lắp đặt, khi mà công nhân đã kết nối được khoảng 210 ngàn khu nhà (trong tổng số ước tính 13,2 triệu), sáng kiến có tính tiên phong và thể hiện tầm nhìn của Úc đang ở thời điểm bước ngoặt. Chính phủ mới dự định chỉ triển khai cáp quang đến các khu nhà ở mới xây dựng. Còn với các khu dân cư và doanh nghiệp còn lại—chiếm khoảng 71%—cáp quang chỉ được nối đến các tủ cáp ở lề đường, còn được gọi là các “node“. Các cặp dây cáp đồng sẵn có sẽ chịu trách nhiệm kết nối từ các node đến từng căn nhà.

Những vấn đề như vậy không phải chỉ có ở Úc. Sự hăng hái đối với công nghệ băng thông rộng cho tất cả mọi người đã từng lan trải khắp nơi, và đến tận bây giờ các nước kể trên, và cả những nước khác, vẫn còn theo đuổi. Nhưng sự nhiệt tình đã nguội lạnh trong những năm gần đây do các thành viên cơ quan lập pháp ở nhiều nơi trên thế giới cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Thật không may, mà trong lĩnh vực công nghệ thì điều này xảy ra rất thường xuyên, là các tranh luận công khai lại bị bủa vây bởi sự hiểu lầm, thiếu thông tin, và nhìn chung là thiếu kiến thức về công nghệ. Một cơ hội hiếm hoi để phát triển và mở rộng đang sắp sửa bị đánh mất, và thật đáng thất vọng là chỉ một số ít người thật sự hiểu được ý nghĩa của sự mất mát đó.

Ví dụ như ở Úc, đảng Liên Minh đang theo đuổi chiến lược cáp-quang-đến-từng-node (fiber-to-the-node, FTTN) bởi vì trong ngắn hạn nó rẻ hơn nhiều—bằng khoảng 2/3 so với kế hoạch NBN ban đầu. Nhưng cách tính toán như thế sẽ bỏ sót những vấn đề trong dài hạn. Các kết nối bằng cáp đồng không có đủ dung lượng để đáp ứng sự gia tăng mạnh mẽ về dữ liệu theo như các nhà phân tích dự đoán. Rốt cuộc thì Úc cũng sẽ chẳng có cách nào khác ngoài việc thay thế các dây cáp đó bằng cáp quang, có lẽ vào trước khi thập kỉ này kết thúc. Khi đó, chi phí của việc nâng cấp lên mạng FTTP sẽ được cộng thêm vào chi phí của việc triển khai FTTN, và tổng đầu tư sẽ tăng cao hơn cả chi phí để lắp đặt cáp quang ngay từ hôm nay.

Và khi việc triển khai bị trì hoãn, người dân Úc sẽ bỏ lỡ một cơ hội có một không hai để trở thành những người đi đầu trong một nền kinh tế kĩ thuật số toàn cầu—một cơ hội mà họ có thể không bao giờ gặp lại nữa.

Nước Úc chậm chân trên đường đua (Nguồn: Akamai Technologies)
Xếp hạng toàn cầu Tốc độ kết nối trung bình (Mb/s)
1 Hàn Quốc 13.3
2 Nhật Bản 12.0
3 Thuỵ Sĩ 11.0
4 Hồng Kông 10.8
5 Latvia 10.6
6 Hà Lan 10.1
7 Cộng Hoà Séc 9.8
8 Mĩ 8.7
9 Thuỵ Điển 8.4
10 Anh 8.4
43 Úc 4.8
Tốc độ trung bình toàn cầu 3.3

Ngày nay ở Úc, cũng như hầu hết châu Á, châu Âu, và Bắc Mĩ, các công ty viễn thông thương mại sở hữu và điều hành các mạng để cạnh tranh với nhau. Cách tổ chức như vậy khuyến khích các nhà mạng ứng dụng những công nghệ mới nhất. Tuy nhiên, nó cũng có thể có những bất lợi: ở một nước có dân cư thưa thớt như Úc, các nhà mạng có thể chỉ tập trung vào các khách hàng ở một vài trung tâm đô thị đông đúc nơi mà họ biết là họ có thể kiếm được nhiều lợi nhuận nhất. Hậu quả là công nghệ chậm tiếp cận đến đại đa số những người dân sống ở khu vực nông thôn và ngoại vi thành phố.

Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi biết rằng trong những nước phát triển, Úc được biết như là một nước có số lượng cáp quang ít ỏi. Tỷ lệ cao nhất là ở Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia có mật độ dân cư cao và diện tích nhỏ, nơi mà cáp quang chiếm đến hơn 60% các đường truyền băng thông rộng. Ở các nước lớn hơn, có dân cư thưa hơn, như Mĩ và Canada, tỷ lệ này thấp hơn nhiều. Ở Úc, tỷ lệ này ở dưới mức 2%.

Hiện nay, hơn 2/3 số hộ gia đình ở Úc có truy cập băng thông rộng cố định. Hầu hết các kết nối này vẫn sử dụng công nghệ DSL để truyền các gói dữ liệu ở tần số cao hơn tần số của tín hiệu thoại. Điều này cho phép dữ liệu Internet chạy trên dây điện thoại ở tốc độ khá cao. Trong một hệ thống DSL, các cặp dây đồng xoắn, còn được gọi là các loop, kết nối mỗi khách hàng với trung tâm chuyển mạch. Ở đó, một loạt các mô-đem gọi là các bộ ghép kênh truy cập DSL, hay DSLAM (DSL access multiplexer), sẽ nối các loop vào các mạng lõi của các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác nhau.

Vấn đề nảy sinh khi dùng DSL cho dịch vụ băng thông rộng là nhiều ứng dụng mới, trong đó có hội thảo truyền hình độ nét cao và tivi 3-D, cần tới tốc độ truyền dữ liệu cao hơn khả năng đáp ứng của các đường dây này. Đường dây cáp đồng chính là nơi giới hạn tốc độ của cả hệ thống. Do các đặc tính điện của kim loại, tín hiệu bị biến dạng và suy yếu đáng kể theo khoảng cách truyền và có thể gây nhiễu đối với tín hiệu chạy trên các dây dẫn kề bên. Điều này giới hạn đáng kể tốc độ truyền của các kết nối, đặc biệt là các kết nối có khoảng cách xa. Trong khi các khách hàng ở gần trung tâm chuyển mạch có thể đạt tốc độ lên đến 24 Mb/s (sử dụng tiêu chuẩn ADSL 2+ thông dụng), các khách hàng ở xa có tốc độ thấp hơn nhiều. Ở Úc, có những nơi kết nối khá dài và một số khách hàng chọn dùng các gói dịch vụ tốc độ thấp, tốc độ kết nối Internet trung bình chỉ có 4.8 Mb/s. Và bởi vì tốc độ tải lên của DSL hiếm khi vượt qua 1/4 tốc độ tải xuống, kết nối này không thực sự phù hợp cho các ứng dụng cần băng thông cao cho cả hai chiều như hội thảo truyền hình.

Mạng băng thông rộng: Ý tưởng ban đầu của mạng NBN của Úc là cung cấp kết nối dữ liệu tốc độ cao—93% các kết nối là cáp quang—cho tất cả người dân. Diện tích rộng lớn và dân cư thưa thớt của Úc làm cho dự án nhiều tranh cãi này trở thành một dự án chưa từng có tiền lệ và vô cùng tham vọng.

Mạng băng thông rộng: Ý tưởng ban đầu của mạng NBN của Úc là cung cấp kết nối dữ liệu tốc độ cao—93% các kết nối là cáp quang—cho tất cả người dân. Diện tích rộng lớn và dân cư thưa thớt của Úc làm cho dự án nhiều tranh cãi này trở thành một dự án chưa từng có tiền lệ và vô cùng tham vọng.

Những người đứng đầu đảng Lao Động không hẳn là những người Úc đầu tiên nhận ra sự cần thiết của một hệ thống mạng nhanh hơn, có độ bao phủ rộng hơn. Các công ty viễn thông và các nhóm tư vấn liên bang đã trao đổi các dự thảo cho một mạng băng thông rộng quốc gia từ khoảng năm 2003. Nhưng phải đến tháng 12/2007, sau khi đảng Lao Động nắm đa số ghế thì chính phủ mới quyết tâm đầu tư.

Ban đầu, những người đại diện của đảng Lao Động nghĩ rằng mạng mới sẽ sử dụng kiến trúc FTTN mà theo đó họ phải gỡ các bộ DSLAM ở các trung tâm chuyển mạch, vốn nằm cách các khách hàng hằng cây số, và lắp đặt các bộ DSLAM mới ở các node nằm trong khoảng vài trăm mét từ khách hàng. Các node sẽ được nối với trung tâm chuyển mạch bằng cáp quang và chuyển dữ liệu đến và đi từ mỗi toà nhà của khách hàng dùng chuẩn DSL tốc độ cao, hay VDSL, chuẩn DSL có tốc độ cao nhất vào thời điểm đó. Với những đoạn cáp đồng ngắn, tốc độ trung bình sẽ được tăng lên đáng kể—có thể lên đến 50 Mb/s, tuỳ theo khoảng cách giữa các node và toà nhà. Mạng FTTN sẽ không thể nhanh bằng mạng FTTP, nhưng chi phí được dự đoán là sẽ phải chăng hơn.

Chính phủ cũng cho rằng cách tốt nhất để xây dựng mạng là giao công việc cho một công ty viễn thông thông qua một cuộc đấu thầu. Người thắng cuộc sẽ được trao giấy phép độc quyền và 4.7 tỷ đô-la Úc để hỗ trợ chi phí xây dựng. Sáu công ty mạng viễn thông, bao gồm cả công ty dẫn đầu thị trường, Telstra, gửi các bản dự thảo trước tháng 11/2008. Để đánh giá chúng, chính phủ lập một hội đồng chuyên gia; tôi là một trong 7 thành viên của hội đồng.

Sau khi nghiên cứu các bản dự thảo, chúng tôi nhất trí ở hai điểm chính. Thứ nhất, chúng tôi nhận thấy rằng tình trạng suy thoái của nền kinh tế thế giới, xảy ra do bong bóng bất động sản của Mĩ bị xì hơi vào năm 2006, gây khó khăn cho các công ty viễn thông Úc trong việc tìm đủ nguồn tài chính để xây dựng mạng quốc gia. Sự thật là không có một công ty tham gia đấu thầu nào đưa ra được một mô hình kinh doanh khả dĩ. Rõ ràng rằng trừ khi chính phủ rót vốn cho phần lớn dự án, một mạng dành cho mục đích thương mại sẽ ít có cơ hội thành công.

Điều thứ hai mà chúng tôi nhận thấy là kiến trúc FTTN có lẽ là một hướng đi tồi. Sử dụng VDSL, một kết nối có thể đạt được tốc độ lý thuyết 50 Mb/s nhưng chỉ khi điểm kết nối nằm rất gần nhà—khoảng 100 mét. Kể từ khi hội đồng chuyên gia kết thúc làm việc, một chuẩn mới có tên VDSL2 đã ra đời. Khi kết hợp với một kỹ thuật giảm can nhiễu mới có tên gọi “vectoring“, nó có thể cho phép download lên tới 100 Mb/s trên những khoảng cách ngắn. Vào lúc này một chuẩn còn nhanh hơn có tên là G.fast đang được phát triển. Chuẩn này hứa hẹn sẽ tăng tốc độ download lên đến 1Gb/s nhưng, cũng như những chuẩn kia, chỉ khi khoảng cách kết nối là rất ngắn. Với những khách hàng ở xa, công ty viễn thông chỉ có thể đảm bảo tốc độ truyền khoảng 50 Mb/s.

Các chuyên gia phân tích thị trường dự đoán rằng nhu cầu dữ liệu từ một hộ gia đình hay một doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng vượt qua mức đó vào năm 2020, và để đáp ứng được yêu cầu này, Úc sẽ cần một kiến trúc FTTP. Xây dựng một mạng FTTN rẻ tiền hơn vào lúc đầu thì không hợp lý lắm bởi vì nó không phải là một bước cần thiết trong việc xây dựng một mạng toàn cáp quang. Trong thực tế, một mạng FTTN cần các thiết bị và một cơ sở hạ tầng đặc biệt, bao gồm cả các điểm kết nối, mà chúng cần phải được dỡ bỏ khi nâng cấp lên FTTP. Việc xây dựng một mạng FTTN như một bước quá độ sẽ dẫn đến hậu quả là về lâu dài chi phí của người dân Úc sẽ cao hơn so với việc đầu tư vào công nghệ FTTP từ hôm nay.

Vì những điều này và các lý do khác, chúng tôi đã khuyến nghị chính phủ xây dựng mạng FTTP. Thật ngạc nhiên là chính phủ đã chấp nhận lời khuyên của chúng tôi.

Hai kế hoạch cho mạng NBN (Nguồn: NBN Co; Chính sách NBN của đảng Liên Minh; “Tiêu thụ điện năng trong các mạng truy cập,” (Energy Consumption in Access Networks) J. Baliga, R.S. Tucker, và các tác giả khác, Optical Fiber Communication/National Fiber Optic Engineers Conference, 2008)
Kế hoạch ban đầu của chính quyền đảng Lao Động (2009) Kế hoạch sau khi được chính quyền đảng Liên Minh thay đổi (2013)
Cấu trúc mạng 93% là FTTP4% là mạng không dây cố định
3% là liên lạc vệ tinh
22% là FTTP
71% là FTTN
4% là mạng không dây cố định
3% là liên lạc vệ tinh
Tổng chi phí 45.6 tỷ đô-la Úc 29.5 tỷ đô-la Úc
Tốc độ download tối đa FTTP: 1Gb/s FTTP: 1Gb/s
FTTN: 50 Mb/s
Tốc độ upload tối đa FTTP: 400Mb/s FTTP: 400Mb/s
FTTN: 15Mb/s
Chi phí trung bình cho mỗi kết nối 3450 đô-la Úc 2320 đô-la Úc
Chi phí cho lần nâng cấp kế tiếp cho mỗi kết nối Nâng cấp lên tốc độ 10Gb/s: 200-300 đô-la Úc Nâng cấp lên FTTP (tối đa 1Gb/s): 1000-5000 đô-la Úc
Thời hạn hoàn thành dự kiến 2021 2019
Tiêu thụ điện năng 70 MW 140 MW

Tháng 4/2009, tiếp theo sau thông báo của thủ tướng Rudd, chính phủ Úc thành lập NBN Co để xây dựng và vận hành mạng NBN tương lai. Công ty do chính phủ sở hữu này sẽ chịu trách nhiệm kết nối mọi hộ gia đình và công sở đến hơn 100 trung tâm kết nối (hub) trên toàn quốc. Đây là nơi mà các nhà cung cấp Internet thương mại và các công ty cung cấp nội dung khác, còn được gọi là các công ty bán lẻ dịch vụ, sẽ kết nối vào mạng. Để giảm bớt chi phí lắp đặt các đường cáp quang, NBN Co sẽ trả tiền cho các công ty kinh doanh viễn thông để sử dụng các ống và hố ngầm sẵn có và ngừng hoạt động các đường dây điện thoại bằng đồng và các thiết bị DSLAM. Telstra hiện sở hữu đa số cơ sở hạ tầng này, và chính phủ đã đồng ý trả 11 tỷ đô la Úc để sử dụng nó.

Là chủ sở hữu duy nhất của mạng quốc gia mới, NBN Co sẽ vận hành một mạng được biết đến với cái tên mạng Lớp 2 (Layer 2 network). NBN Co sẽ cho các nhà cung cấp dịch vụ các lựa chọn về tốc độ với các mức giá định sẵn (từ 24 đô-la Úc một tháng cho 12 Mb/s download và 1Mb/s upload cho đến 150 đô-la Úc cho 1 Gb/s download và 400 Mb/s upload.) NBN Co sẽ định hướng dòng dữ liệu đến và đi từ các khách hàng của các nhà cung cấp bằng giao thức Ethernet. Nhà cung cấp sẽ thêm các lớp giao thức còn lại, bao gồm đóng gói dữ liệu, mã hoá, và sửa lỗi, và trực tiếp thu tiền khách hàng. Mặc dù chỉ một mình NBN Co quản lý hạ tầng cơ sở, bao gồm cả các mô-đem trong nhà khách hàng, các công ty cung cấp vẫn có thể cạnh tranh với nhau dựa trên loại dữ liệu mà họ cung cấp và chất lượng dịch vụ của mình.

Để xây dựng mạng lưới cáp quang, các kỹ sư lựa chọn công nghệ mạng cáp quang thụ động (passive optical network, PON), một giải pháp thường được dùng cho các mạng FTTP. Trong hệ thống PON của NBN Co, một sợi cáp quang đơn lẻ sẽ truyền dữ liệu từ một trung tâm chuyển mạch đến một tủ cáp nhỏ nằm trên vỉa hè. Tại đó, một bộ chia tín hiệu (splitter) sẽ tách ánh sáng đến tối đa 32 sợi cáp quang nhánh, mỗi nhánh dẫn đến một toà nhà riêng. Không như các mạng cáp quang tích cực, vốn tách dòng dữ liệu bằng kỹ thuật điện tử ngay tại tủ cáp để định hướng dữ liệu đến đích cuối cùng, các hệ thống PON phát tín hiệu đến tất cả các toà nhà kết nối vào cùng một bộ chia tín hiệu. Các thiết bị chuyển mạch điện tử ở điểm kết nối của mỗi khách hàng sẽ loại bỏ dữ liệu dành cho khách hàng khác và mã hoá dữ liệu để tránh việc bị nghe lén. Các hệ thống PON cũng thường rẻ hơn, tiêu thụ ít điện năng hơn, và dễ bảo trì hơn các hệ thống chủ động vì chúng không yêu cầu các kỹ sư phải lắp đặt và bảo trì thiết bị chuyển mạch bên trong các tủ cáp đặt ngoài trời.

Khi việc lắp đặt mạng NBN bắt đầu vào năm 2010, thiết bị phát dữ liệu nhanh nhất trên mạng PON hoạt động trên một chuẩn công nghiệp có tên là gigabit PON, hay GPON, có thể phát 2.4 Gb/s tới mỗi bộ chia tín hiệu. Dung lượng tổng cộng này sẽ được chia sẻ bởi tất cả các toà nhà kết nối với bộ chia tín hiệu. Tuy nhiên, nếu nhiều khách hàng trong cùng một vùng cùng chọn sử dụng dịch vụ tốc độ cao, NBN Co chỉ cần lắp đặt nhiều bộ tách tín hiệu hơn vào trong tủ cáp—một công việc nhanh gọn, chỉ tốn khoảng 20 phút. Bằng cách này NBN Co có thể đảm bảo rằng bất cứ người dân Úc nào có kết nối cáp quang đều có thể có tốc độ tối đa 1Gb/s nếu muốn.

Mặc dù vậy, điều không thể tránh khỏi là sẽ có một số người sẽ không nằm trong phạm vi của mạng cáp quang. Khoảng 7% dân số Úc sống trong các cộng đồng ở vùng thôn quê hay các vùng xa xôi nơi mà việc truy cập mạng băng rộng bằng dây cáp là điều không khả thi về mặt kỹ thuật hoặc kinh tế. NBN Co sẽ kết nối khoảng một nửa số người này thông qua các tháp phát sóng được trang bị công nghệ 4G LTE có khả năng cung cấp tốc độ download lên đến 25 Mb/s và tốc độ upload lên đến 5 Mb/s cho mỗi khách hàng. Nửa còn lại sẽ được phục vụ thông qua hai vệ tinh địa tĩnh mới có băng thông rộng được dự định sẽ phóng vào năm 2015 và sẽ có tốc độ dữ liệu tương tự.

Nhưng bất kể loại công nghệ truy cập được sử dụng là gì—cáp quang, không dây, hay vệ tinh—NBN Co cũng sẽ thu tiền từ các công ty cung cấp dịch vụ theo cùng mức giá bán sỉ khi họ sử dụng các kênh thông tin để đảm bảo mức giá bằng nhau và công bằng cho tất cả các khách hàng ở mọi nơi.

Nhiều chính trị gia và lãnh đạo trong lĩnh vực công nghiệp ủng hộ kế hoạch NBN. Alan Noble, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Google ở Úc, gọi đó là “một chất xúc tác mạnh mẽ nhất cho sự cải tiến.” Những người khác nói rằng đó là “một phần quan trọng trong sự tiến hoá của Internet” và “một cơ hội quá tốt không nên bỏ qua.” Mặc dù vậy, kế hoạch này cũng chịu nhiều tranh cãi ngay từ khi bắt đầu. Các thành viên của đảng Liên Minh bảo thủ, do lo ngại về chi phí tăng cao và việc lắp đặt bị trì hoãn, đã mô tả NBN như là một “ảo tưởng nguy hiểm,” một “thứ đồ kiểng khổng lồ,” và một “cách thực thi chính sách công lãng phí và sai lầm đáng kinh ngạc.”

Ban đầu, một số chỉ trích, nhất là từ giới bình luận trên các phương tiện truyền thông, xuất phát từ những hiểu lầm về mặt công nghệ. Chẳng hạn như những người phản đối kế hoạch FTTP thường lý luận rằng sự phổ biến của các thiết bị di động sẽ làm cho công nghệ không dây phát triển nhanh và đến một lúc nào đó chúng sẽ có tốc độ cao hơn cáp quang và làm cho NBN trở nên lỗi thời.

Sai lầm của giả thuyết này thì rất rõ ràng đối với bất kỳ ai có kiến thức cơ bản về mạng không dây. Những kết nối như vậy sẽ luôn luôn bị giới hạn bởi băng thông của trạm phát trong mạng mà băng thông này lại bị chia sẻ cho tất cả người dùng. Thậm chí nếu một trạm phát có thể sử dụng toàn bộ băng thông chỉ để phục vụ cho một khách hàng thì băng thông của một sợi cáp quang vẫn có thể lớn hơn con số đó khoảng 20 ngàn lần.

Hơn nữa, các hệ thống di động có thể sẽ không duy trì được sự phát triển đáng kinh ngạc mà không có mạng cáp quang rộng khắp. Các công ty vận hành đã và đang triển khai các trạm cơ sở cỡ nhỏ, còn được biết đến với tên gọi cell nhỏ, trong nhà ở, công sở, và các trung tâm đô thị đông đúc, để giúp tăng dung lượng và đem nhiều dịch vụ đến những nơi mà các trạm phát thông thường không thể vươn tới, chẳng hạn như trong nhà. Lượng dữ liệu cực lớn chạy qua các cell này sẽ phải được chuyển đến và đi từ mạng trung tâm của một công ty vận hành—một nhiệm vụ rất phù hợp với cáp quang.

Những người khác khi chỉ trích kế hoạch của đảng Lao Động lại lo ngại rằng việc giao cho NBN Co làm chủ sở hữu duy nhất của hạ tầng mạng của Úc sẽ dập tắt sự cạnh tranh trong cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ dẫn đến việc khách hàng phải trả giá cao và làm chậm việc ứng dụng các công nghệ mạng mới. Lý lẽ này có thể sẽ thuyết phục hơn ở những nước có phân bố dân cư dày hơn như Mĩ, nơi mà nhu cầu khách hàng cao thường đảm bảo sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ chủ yếu bằng công nghệ. Quả thực là ở Mĩ Verizon đã bắt đầu cung cấp dịch vụ FiOS FTTP vào năm 2005, và các gói dịch vụ hiện nay đã sẵn sàng cho hơn 18 triệu căn hộ, trong đó 5 triệu đã đăng ký, công ty cho biết.

Nhưng ở Úc, các nhà cung cấp đã chứng minh rằng một thị trường tự do đã không tạo ra các tuỳ chọn truy cập tốt cho hầu hết các khách hàng. Ví dụ như vào những năm 1990, Telstra và đối thủ cạnh tranh của mình là Optus cùng lúc triển khai các đường dây kết hợp cáp quang và cáp đồng trục, một dịch vụ nhanh hơn DSL, của riêng mình đến 2 triệu toà nhà ở một số vùng đông dân cư ở Sydney và Melbourne. Trong khi đó, hàng triệu khu nhà khác lại không được nâng cấp.

Cho đến lúc này mối quan ngại lớn nhất về mô hình FTTP là những lợi ích thu được sẽ không xứng đáng với chi phí đắt đỏ của nó. Đảng Liên Minh lập luận rằng một mạng FTTN, mặc dù không lý tưởng bằng, sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho mỗi đô-la bỏ ra. Nhưng những con số lại không nói lên điều đó.

Một mạng FTTP có tốc độ tối đa lên đến 1 Gb/s sẽ làm người dân Úc tốn khoảng 3450 đô-la Úc cho mỗi khu nhà, theo phân tích chi phí của NBN Co. Trái lại, chính phủ mới của đảng Liên Minh ước tính rằng mỗi kết nối FTTN, có khả năng đảm bảo tốc độ lên đến 50 Mb/s, sẽ tiêu tốn khoảng 2320 đô-la Úc—đã bằng khoảng hai phần ba chi phí của một kết nối FTTP ưu việt hơn hẳn. Và nếu tốc độ dữ liệu của khách hàng tiếp tục tăng nhanh như dự đoán của giới phân tích, nhiều khách hàng FTTN có thể sẽ muốn nâng cấp lên công nghệ FTTP trước năm 2020. Để đáp ứng nhu cầu của họ, chính phủ đảng Liên Minh dự định cung cấp dịch vụ “cáp quang theo yêu cầu” mà khách hàng có thể chọn cách tự trả tiền để lắp đặt cáp quang từ tủ cáp ở vỉa hè vào nhà ở hay văn phòng. Việc nâng cấp này rất có thể sẽ làm tăng thêm khoảng 1000 đến 5000 đô-la Úc cho mỗi kết nối, tuỳ thuộc vào độ dài của cáp quang và lượng nhân công cần có.

Trong lúc đó, một mạng FTTP sử dụng hạ tầng GPON có thể vẫn đáp ứng tốt trong tương lai. Nâng cấp nó lên chuẩn thế hệ kế tiếp, có tên gọi XGPON, với khả năng cung cấp tốc độ 10 Gb/s, chỉ cần đơn giản thay vài thiết bị trong các trung tâm chuyển mạch và các mô-đem tại nhà của mỗi khách hàng—với chi phí tổng cộng rất có thể không quá 300 đô-la mỗi kết nối. Trong tương lai, các chuẩn mới có thể cho tốc độ còn nhanh hơn với một chi phí tương tự.

Thật là đau xót khi chứng kiến sự hình thành của một mạng “sẵn sàng cho tương lai” đi đến hồi kết thúc. Tôi không tránh khỏi liên tưởng tới hệ thống xa lộ liên bang của Mĩ, được Tổng thống Dwight D. Eisenhower đấu tranh cho vào những năm 1950, đã tạo đường, theo cả nghĩa đen, cho một nền kinh tế dựa trên giao thông vận tải phát triển. Ở Úc, một xa lộ băng thông rộng trên cáp quang cũng có thể chuyển dịch nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước theo một cách hoàn toàn tương tự.

Thật đáng tiếc, chính phủ mới của đảng Liên Minh dường như không tiếp thu những lập luận này và quyết tâm thu nhỏ NBN. Tôi chỉ còn biết bám víu vào hy vọng rằng người dân Úc sẽ nhận ra sự ngu ngốc của việc từ bỏ mạng FTTP và yêu cầu những người lãnh đạo đất nước xem xét lại hoặc đưa ra một kế hoạch mới không khác gì nhiều với tầm nhìn có tính cách mạng của đảng Lao Động.

Tác giả:
Rodney S. Tucker là giáo sư ngành kỹ thuật điện ở Đại học Melbourne và là một IEEE Fellow. Năm 2008, chính phủ Úc bổ nhiệm ông vào hội đồng chuyên gia để giúp xây dựng một mạng truy cập sử dụng toàn cáp quang cho cả nước, hiện nay được biết đến dưới tên gọi National Broadband Network. Mặc dù dự án đầy tham vọng này đang có nguy cơ bị thu hẹp, Tucker cho rằng những việc mình đã làm trong hội đồng là “một trong những đóng góp đáng kể nhất trong nghiệp kĩ sư của mình.”


Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: