Bitcoin: Đồng tiền vô chính phủ – Phần 2: “Thợ mỏ” và công cuộc “khai thác mỏ”

(Xem Phần 1: Lịch sử tiền tệ kỹ thuật số)

Để tạo ra một hệ thống có thể vận hành, Nakamoto bắt đầu với ý tưởng về một chuỗi dữ liệu, cũng tương tự như bit gold. Nhưng thay vì tạo ra một chuỗi các thuộc tính kỹ thuật số, Bitcoin lưu trữ một chuỗi các giao dịch.

Cách đơn giản nhất để hiểu cách Bitcoin hoạt động là xem nó như một cuốn sổ cái kế toán đã được số hoá. Hãy tưởng tượng rằng có một nhóm người ngồi quanh một cái bàn và mỗi người đều có quyền truy cập theo thời gian thực vào cuốn sổ cái đó thông qua máy tính xách tay đặt ngay trước mặt mình. Cuốn sổ cái ghi lại số lượng bitcoin mà mỗi người tại bàn có ở mỗi thời điểm. Theo nguyên tắc, số dư của mỗi tài khoản là thông tin mà tất cả mọi người đều biết và nếu một người muốn chuyển tiền cho một người khác, anh ta phải thông báo giao dịch đó cho tất cả mọi người quanh bàn. Nếu tất cả mọi người đều đồng ý thì cả nhóm sẽ thêm giao dịch này vào sổ cái. Trong một hệ thống như thế, tiền không bao giờ phải tồn tại một cách hữu hình, nhưng dù vậy cũng không ai có thể dùng một đồng tiền của mình cho nhiều giao dịch.

Đó cơ bản là cách Bitcoin hoạt động, ngoại trừ một điểm là những người tham gia kết nối với nhau thông qua một mạng ngang hàng trải rộng toàn cầu và tất cả các giao dịch xảy ra giữa các địa chỉ trên mạng thay vì giữa người với người. Việc xác thực một địa chỉ thuộc về một người nào đó sẽ được thực hiện thông qua phương pháp mã hoá với khoá chung (public-key cryptography) mà không tiết lộ người sở hữu là ai.

bitcoin

Hệ thống Bitcoin đảo ngược hoàn toàn khái niệm về tính riêng tư trong các ngân hàng truyền thống: tất cả các giao dịch được thể hiện công khai cho tất cả mọi người nhưng khó mà tìm được danh tính của những người có liên quan đến giao dịch đó. Để duy trì tính phân cách này cần có sự cẩn trọng của người dùng Bitcoin cũng như sự lựa chọn kỹ càng đối với các ứng dụng và phương pháp trao đổi, nhưng nó hoàn toàn có thể thực hiện được. “Nói cách khác, tình trạng ẩn danh thường bị làm phương hại bởi các nguyên nhân nằm ngoài sự kiểm soát của Bitcoin,” Jeff Garzik, người trong nhóm lập trình chịu trách nhiệm phát triển phần mềm cho Bitcoin, nói. Bitcoin thường được mô tả là cung cấp tính năng ẩn danh giả bằng cách tạo ra nhiều điều rối rắm đủ để một người sử dụng có thể phủ nhận mình là ai đó một cách chính đáng.

Những người sở hữu bitcoin cài đặt một chương trình—được gọi là phần mềm máy khách Bitcoin (Bitcoin client)—trên máy tính của họ để quản lý các tài khoản. Khi họ muốn truy cập tài khoản cùa mình, họ dùng phần mềm này để gửi yêu cầu giao dịch. Điểm mới của Bitcoin là nó sử dụng việc xử lý những yêu cầu giao dịch này như một cơ chế để tạo ra những đồng tiền mới.

Khi các yêu cầu giao dịch được đưa vào hệ thống, các máy tính của những người tham gia hệ thống tiền tệ này sẽ chạy các chương trình “khai thác mỏ” (mining) để gom chúng thành từng nhóm gọi là khối giao dịch (transaction block). Trước khi mỗi khối giao dịch được ghi lại trong cuốn sổ cái của Bitcoin, nghĩa là trở thành một phần của chuỗi các khối giao dịch (block chain), chương trình khai thác mỏ phải biến đổi dữ liệu này bằng các phương trình mã hoá (hash). Phần mềm Bitcoin client chỉ chấp nhận các chuỗi mã hoá thoã mãn những điều kiện ngặt nghèo do đó những “thợ mỏ” thường phải tính ra rất nhiều chuỗi mã hoá trước khi ngẫu nhiên gặp được một chuỗi thoã mãn những điều kiện đó. Quá trình này cần rất nhiều năng lực tính toán – nhiều đến nỗi mà khả năng bất kỳ ai khác cố gắng làm lại điều đó là hầu như không thể. Mỗi khối giao dịch mới khi được thêm vào chuỗi các khối giao dịch và được mã hoá để che dấu dữ liệu sẽ làm tăng độ an toàn cho toàn bộ các khối trước đó trong chuỗi.

“Thợ mỏ” nào có máy tính tìm ra được chuỗi mã hoá hợp lệ đầu tiên sẽ được thưởng những bitcoin vừa mới tạo ra. Hệ thống Bitcoin sẽ điều chỉnh độ khó của các yêu cầu về chuỗi mã hoá để kiểm soát tốc độ tạo ra tiền mới. Đối với những người đề xuất ra Bitcoin, đây là một trong những điểm hấp dẫn nhất của hệ thống này: khác với tiền mặt có thể được in ra bất cứ khi nào cần, việc tạo ra bitcoin sẽ giảm dần cho đến khi đạt được giới hạn 21 triệu đồng bitcoin.

bitcoin_21

(xem tiếp Phần 3: Đồng tiền nào cũng có hai mặt)


Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: